Vừa được hỏi mua, dự án "đáng sống và sinh lợi bậc nhất Bình Phước" của ông Dũng "lò vôi" hiện ra sao?

Trước đó, dự án này của đại gia Dũng "lò vôi" đã từng được ký biên bản ghi nhớ chuyển nhượng nhưng không thành công do bên mua chưa chuyển đồng tiền cọc.

- Danh Khôi muốn dùng 195 tỷ đồng mua một phần dự án Khu dân cư Đại Nam
- Theo quy hoạch, dự án có tổng diện tích hơn 96 ha với 2.459 căn nhà phố và biệt thự, 4 trường mẫu giáo, 1 trường THPT, quy mô khoảng 12.000 dân
- Nhưng thực tế hiện tại khác xa kỳ vọng...

Người mua là ai?

Tại tờ trình trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 này, Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (NRC) đang có kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Một phần số tiền thu được, Danh Khôi dự kiến sẽ dùng để mua lại các sản phẩm đất nền đã có pháp lý đầy đủ tại các dự án khu dân cư được quy hoạch bài bản, chuẩn chỉnh với hạ tầng đã hoàn thiện.

Một trong số các dự án Danh Khôi muốn mua là một phần dự án tại Khu dân cư Đại Nam (Quốc lộ 13, Chơn Thành, Bình Phước) của đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi"). Số tiền dự kiến cho dự án này là 195 tỷ đồng. Việc triển khai mua lại các bất động sản dự kiến được Danh Khôi thực hiện trong quý 4/2024 và năm 2025.

Vừa được hỏi mua, dự án

Đây không phải lần đầu tiên dự án của ông chủ Đại Nam Huỳnh Uy Dũng được rao bán. Trước đó, hồi năm 2022, rộ lên thông tin ông Dũng "lò vôi" đã chuyển nhượng 1 phần dự án này Công ty cổ phần Vinasing Group (trụ sở chính tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) với tổng giá trị hợp đồng dự kiến là trên 2.434 tỷ đồng.

Theo biên bản này, có 1.122 nền đất ở (tổng diện tích 219.999,9m2) dự kiến được chuyển nhượng với đơn giá là 9 triệu đồng/m2. Đất thương mại dịch vụ được chuyển nhượng với giá 6 triệu đồng/m2, tổng giá trị hơn 67,3 tỷ đồng. Đất xây nhà ở xã hội có được chuyển nhượng với giá 4 triệu đồng/m2, tổng giá trị hơn 386,3 tỷ đồng. Hợp đồng quy định bên mua phải đặt cọc cho bên bán 100 tỷ đồng.

Vừa được hỏi mua, dự án

Phối cảnh dự án.

Tuy nhiên, tháng 5/2022, ông Huỳnh Uy Dũng ký văn bản gửi Công ty Vinasing Group thông báo chấm dứt hợp đồng ghi nhớ đã ký ngày 12/5/2022 vì bên mua không chuyển tiền cọc như cam kết. "Việc chuyển nhượng là chưa diễn ra. Công ty Vinasing Group có ký hợp đồng ghi nhớ nhưng tới nay chưa chuyển đồng tiền cọc nào nên hợp đồng ghi nhớ đã bị hủy", lãnh đạo Công ty cổ phần Đại Nam chia sẻ tại thời điểm vụ việc diễn ra.

Được biết, Vinasing Group do ông Lê Minh Thơ (sinh ngày 3/9/1979) là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Đơn vị này bắt đầu đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 19/10/2016 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính về lĩnh vực môi trường, bao gồm đầu tư xã hội hóa, truyền thông - quảng cáo, tổ chức sự kiện.

Dự án Khu dân cư Đại Nam có gì?

Dự án khu dân cư Đại Nam nằm trên mặt tiền Quốc lộ 13 tại Chơn Thành, Bình Phước rộng khoảng 100ha, đã được đầu tư hạ tầng. Khu dân cư Đại Nam do Công ty TNHH MTV Tân Khai làm chủ đầu tư.

Công trình này được UBND tỉnh Bình Phước ban hành quyết định số 1094/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào tháng 6/2018.

Vừa được hỏi mua, dự án

Phối cảnh dự án.

Trong năm 2019 và 2020, UBND tỉnh Bình Phước đã có quyết định (3 đợt) chấp thuận cho chủ đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho người sử dụng đất tự xây dựng nhà ở. Tổng số nền đất được phép chuyển nhượng gần 2.500 nền.

Theo quy hoạch, dự án này có tổng diện tích hơn 96 ha với 2.459 căn nhà phố và biệt thự, 4 trường mẫu giáo, 1 trường THPT, quy mô khoảng 12.000 dân. Trong phần diện tích đất 481.897,79 m2 xây nhà phố và biệt thự thì đất nhà phố chiếm 231.989,24 m2, còn lại là đất ở biệt thự. Còn khu nhà ở xã hội rộng 96.517,1 m2.

photo-1718701440076

 Đất giáo dục có diện tích 2.265,8 m2, đất cây xanh trải là 25.653,36 m2. Đất hạ tầng kỹ thuật gồm trạm xử lý nước thải và trạm điện với diện tích khoảng 6.239 m2. Hệ thống giao thông khu dân cư được bố trí thành ô bàn cờ, được quy hoạch trên nền đất rộng 323.249,46 m2.

Tại thời điểm đó, khu dân cư này được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại Bình Phước cho khoảng 12.000 người.

Vừa được hỏi mua, dự án

Nhiều hạng mục công trình đã được đầu tư nhưng do sự hoang hóa nên đã xuống cấp trầm trọng. (Ảnh: Internet)

photo-1718701475583

Mặc dù trong một bài chia sẻ cách đây mấy năm, ông Huỳnh Uy Dũng cho biết, cuối năm 2018 là cơ bản hệ thống hạ tầng sẽ hoàn chỉnh, hệ thống điện chiếu sáng cũng sẽ hoàn tất trước Tết Nguyên đán. Trong vòng 3 tháng kể từ khi hoàn tất giao dịch, người mua sẽ tiến hành ra công chứng ký để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn là khung cảnh hoang vu, đầy cỏ khô, không một cư dân nào sinh sống dù một phần hệ thống hạ tầng đã được hoàn chỉnh. Cũng do sự hoang hóa quá lâu, nhiều đoạn vỉa hè trong đường nội khu bị bong tróc, tiện ích cây xanh chết héo, phế liệu chất đống...

Nguyên nhân khiến cho khu dân cư này không được quan tâm bởi khoảng cách từ đây vào Tp.HCM lên đến 80km, cách Bình Dương khoảng 60km tính từ vị trí của Minh Hưng. Thêm vào đó, khu vực này chủ yếu là công nhân sinh sống, trong khi đất nền tại thời điểm đó lên đến 650 triệu đồng/nền, con số quá cao so với mức thu nhập của người công nhân.

Theo thông tin cập nhật tới thời điểm hiện tại, giá đất nền tại dự án này đang được các trang bán bất động sản rao bán ở mức 5,6 - 7,2 triệu đồng/m2. Như vậy, để sở hữu một nền đất tại đây, người mua phải bỏ ra từ 750 triệu đồng.