Ngày mai là đến chu kỳ điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước. Trong chu kỳ điều hành giá lần này, trên thị trường thế giới, giá xăng dầu đã có xu hướng giảm mạnh, có những phiên đi xuống mốc 100 USD/thùng dù sau đó có phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, tính chung cả chu kỳ, mặt hàng này giảm giá.
Nguyên nhân là do đã có những tín hiệu tích cực trong đàm phán Nga - Ukraine và những lo ngại tình hình Covid-19 ở Trung Quốc có thể làm giảm lượng cầu.
Tại thị trường trong nước, theo dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore là 120,19 USD/thùng đối với xăng RON 92 và 124,12 USD/thùng đối với RON 95. Giá các loại dầu cũng giảm mạnh. Dầu diesel nhiều thời điểm về mốc 111 USD/thùng trong khi kỳ trước có thời điểm vọt lên 176 USD/thùng. Như vậy, mức giá này đã giảm 9 - 12% so với đợt điều chỉnh trước đó.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo đầu mối xăng dầu tại Hà Nội, trong chu kỳ điều hành giá lần này, rất có khả năng giá xăng dầu sẽ được giảm mạnh. Mức giảm sẽ rơi vào khoảng 1.500 đồng/lít, còn giá dầu có thể giảm tới 2.500 đồng/lít. Nếu sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, xăng và dầu sẽ giảm quanh mốc 6.000 - 1.5000 đồng/lít.
Tuy nhiên, giá xăng dầu được giảm cụ thể như thế nào trong kỳ điều chỉnh ngày 21/3 cần được tính toán thêm và còn phụ thuộc vào việc trích lập quỹ bình ổn của cơ quan điều hành.
Giá xăng dầu hiện hành tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex.
Trước đó, trong lần điều chỉnh giá gần nhất ngày 11/3, xăng dầu trong nước đã có lần thứ 7 liên tiếp tăng giá. Giá xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng, RON 95 tăng 2.990 đồng, dầu hỏa tăng 3.940 đồng/lít, dầu diesel tăng 3.950 đồng/lít và dầu mazut tăng 2.520 đồng/kg.
Sau khi điều chỉnh giá, giá bán tối đa cho xăng E5 RON 92 là 28.985 đồng/lít, xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít, dầu hỏa là 23.910 đồng/lít, dầu diesel là 25.260 đồng/lít và dầu mazut là 20.980 đồng/kg. Đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất của mặt hàng xăng dầu từ trước đến nay, kéo giá bán lẻ lên đỉnh lịch sử.
Biến động giá xăng dầu tại Singpore - thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam. Nguồn: Bộ Công thương.
Trước biến động mạnh của xăng dầu, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Nếu không trích lập Quỹ từ 500 - 1.000/lít/kỳ điều hành thì không có việc giá bán lại tăng ở mức độ thấp hơn so với giá của thế giới.
Hiện tại, nguồn quỹ này đã dần cạn kiệt, không còn nữa thì chúng tôi đã trình Quốc hội giãn thuế bảo vệ môi trường. Nếu quỹ này mà cạn thì chúng tôi sẽ nghiên cứu giảm các nguồn khác để bình ổn, hỗ trợ giá xăng dầu".
Ông cũng cho biết thêm, hiện tại, Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp còn đang âm lên tới vài trăm tỷ đồng.
Bộ Tài chính trước đã cũng đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
https://soha.vn/tin-vui-gia-xang-dau-sap-giam-manh-sau-chuoi-7-lan-tang-soc-lap-dinh-lich-su-20220320095336422.htm