Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu các công ty thương mại quốc tế như Gemadept (GMD), Hải An (HAH), Cảng Sài Gòn (SGP) và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng 20% của chỉ số VN-Index.
Trong đó, mã GMD của Gemadept hiện đang giao dịch quanh mức 84.000 đồng/cp. Năm nay, GMD lên mục tiêu doanh thu kỷ lục 4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp sẽ triển khai Gemalink 2 với tổng đầu tư vào khoảng 300 triệu USD. Sau khi hoàn thành, tổng công suất thiết kế cảng sẽ đạt 3 triệu TEU, mức cao nhất so với các đối thủ lớn khác trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực cảng mới dự kiến đưa vào khai thức từ 2025 – 2026.
Công ty cũng dự kiến xin ý kiến về phương án chào bán tối đa 103,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỷ lệ thực hiện quyền 3:1 tại ĐHĐCĐ sắp tới đây. Với giá chào bán dự kiến 29.000 đồng/cp, Công ty sẽ thu về hơn 3.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo đánh giá việc tăng vốn điều lệ là cần thiết nhằm đảm bảo nguồn lực mở rộng quy mô, nâng cao năng lực tài chính, cân đối vốn cho các hoạt động thường xuyên và hoạt động đầu tư thời gian tới.
Tương tự, CTCP vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH) cũng đề mục tiêu doanh thu hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 32%, với đóng góp chính từ hoạt động khai thác tàu khi sản lượng dự kiến đạt 702.000 TEU, tăng 60% so với năm 2023. HAH vừa ghi nhận kết quả tích cực trong quý 1/2024 với doanh thu 700 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ sau khi mở thêm các tuyến vận tải mới.
Cuối năm ngoái, HAH đã nhận bàn giao một tàu container đóng mới có tải trọng 1.800 TEU mang tên HAIAN ALFA, đây là tàu mới hiện đại có tải trọng lớn nhất đội tàu container tại Việt Nam. Trong năm nay, công ty dự kiến sẽ nhận thêm ba tàu đóng mới. Công ty đặt mục tiêu gia tăng thị phần vận tải container và phạm vi hoạt động trên tuyến nội địa bằng việc tăng số chuyến và các cảng ghé mới, cùng với liên doanh ZIM-HAIAN phát triển các tuyến nội Á (Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Đông), khai thác đội tàu hiệu quả thông qua việc áp dụng linh hoạt tỷ lệ tàu được công ty tự khai thác và cho thuê định hạn, đồng thời tiết giảm các chi phí.
Ở diễn biến khác, CTCP Container Việt Nam (Viconship, VSC) đang sôi động mở rộng dư địa tăng trưởng thông qua hoạt động mua cổ phần các doanh nghiệp trong ngành. Từ đầu năm, Viconship liên tiếp nâng tỷ lệ sở hữu tại Hải An từ 2,96% lên 6,6% vốn điều lệ. Tuy nhiên vào ngày 8/5 vừa qua, Viconship đã bán HAH và giảm sở hữu từ 7,53%, về 2,53% và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Vận tải và Xếp dỡ Hải An.
Tuy nhiên, Viconship đang triển khai chào bán hơn 133,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, mục đích huy động vốn chủ yếu là nhằm thâu tóm Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ (sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng), dự kiến sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 79%.
Dưới góc nhìn của giới phân tích, Chứng khoán TPS nhận định các công ty vận tải biển sẽ được hưởng lợi nhờ áp lực lạm phát trên toàn cầu hạ nhiệt và nhu cầu tại thị trường Trung Quốc phục hồi khi những chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã bắt đầu "thẩm thấu".
Hoạt động thương mại khu vực châu Á cũng được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định trong 2024. Thêm vào đó, giá cước neo cao sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải biển có hoạt động cho thuê tàu như Xếp dỡ Hải An. Tuy nhiên, TPS vẫn lưu ý về tình trạng dư cung tàu container trên thị trường nội địa, điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá cước nội địa.
Chuyên gia VinaCapital cũng kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục sau năm 2024. Nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy xuất khẩu trên khắp châu Á và nhập khẩu của Mỹ tăng trưởng với tốc độ đáng chú ý – 7% trong quý 1/2024 và có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay. Vào tháng 4, chỉ số đơn đặt hàng mới PMI các thị trường mới nổi toàn cầu của S&P đạt mức cao nhất trong hơn 3 năm, trong đó số lượng đơn đặt hàng mới ở Việt Nam đạt mức cao nhất trong gần 2 năm.
Chứng khoán SSI cùng quan điểm lạc quan rằng ngành logistics có thể phục hồi về sản lượng nhờ hoạt động sản xuất đang gia tăng, từ đó làm giảm áp lực lên giá cước trung bình. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu giảm cũng là một yếu tố tích cực.
Mặt khác, EIA dự báo, năm 2024 và 2025, giá dầu thô trung bình sẽ ở gần mức trung bình năm 2023 là 82 USD/thùng, nhờ sự cân bằng về cung - cầu. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải biển bình ổn chi phí nhiên liệu đầu vào trong thời gian tới.
Trong dài hạn, ngành cảng biển toàn Đông Nam Á đang hưởng lợi mạnh mẽ từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng. Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chủ yếu của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ nhưng đang mất dần thị phần vào tay Đông Nam Á và Nam Á. Trong đó Việt Nam là nước đạt mức tăng mạnh nhất từ chiếm tỷ trọng 6% (2016) lên đến 13% (2022).