Có hay không hiện tượng môi giới BĐS liên kết làm giá, gây sốt đất?

Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ một số vấn đề như: tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; quản lý chặt chẽ các giao dịch BĐS chưa đạt chuẩn.

Thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 46,6%

Sáng 11/5, theo chương trình phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày và cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn, tuy nhiên một số chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.

Những thay đổi tích cực như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thấp hơn dự toán là 4%; xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2%; tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, tỉ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng đạt cao hơn mức đã báo cáo.

Tiêu điểm - Có hay không hiện tượng môi giới BĐS liên kết làm giá, gây sốt đất?

Các Ủy viên ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia phiên họp.

Một số chỉ tiêu không đạt được mức dự kiến đã báo cáo Quốc hội như: có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%); năng suất lao động đạt thấp do tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn mức phấn đấu đã báo cáo Quốc hội (3-3,5%).

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo Chính phủ, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá…

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, là nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng/2022 đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 46,6% dự toán.

Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, tính chung 4 tháng đầu năm tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 21,6%, gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của khu vực FDI. Tình hình lao động, việc làm có bước khởi sắc.

Cần nhìn nhận, quan tâm thỏa đáng

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và trong các tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm phân tích, đánh giá, làm rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018-2020, tuy nhiên trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục, cầu trong nước có xu hướng hồi phục sẽ gây sức ép lớn đến lạm phát. Cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Tiêu điểm - Có hay không hiện tượng môi giới BĐS liên kết làm giá, gây sốt đất? (Hình 2).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. 

Tỉ lệ giải ngân 04 tháng đầu năm đạt 18,48% tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các Bộ, cơ quan này, nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm giải ngân. Đồng thời lưu ý năm 2022, nhiệm vụ giải ngân là rất nặng nề, đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm; số lượng lớn các nhà đầu tư mới không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho NSNN; hiệu quả sử dụng đất của các dự án. Đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.

Bên cạnh đó, vấn đề tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, nhất là do ảnh hưởng do dịch Covid-19; áp lực học hành, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích, bạo hành gia đình, vấn đề thông tin mạng… cũng được Ủy ban Kinh tế lưu ý cần nhìn nhận, quan tâm thỏa đáng.