Tp.HCM: Bài toán duy trì bình ổn thị trường

Thực hiện chương trình bình ổn thị trường của UBND Tp.HCM, các doanh nghiệp ở Tp.HCM cam kết không tăng giá lương thực, thực phẩm thiết yếu đến cuối tháng 3.

Chiều 14/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Tp.HCM hàng tuần được nối lại sau gián đoạn. Tại đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM cho biết: “Do tác động của nhiều yếu tố, chi phí sản xuất gia tăng dẫn tới áp lực khiến giá hàng hóa trong hệ thống phân phối, chợ truyền thống đang tăng”.

Phân tích kỹ hơn, lãnh đạo Sở Công Thương Tp.HCM chỉ ra “giá bao bì, nguyên liệu, xăng dầu đều có xu hướng tăng” nên đã tác động và gia tăng áp lực dẫn tới tăng chi phí sản phẩm.

“Qua theo dõi giá cả các hệ thống phân phối hiện đại, chúng tôi đánh giá, thời gian qua giá cả tương đối ổn định, hàng hóa có giá thống nhất. Doanh nghiệp nhận được nhiều đề xuất điều chỉnh tăng giá của nhà cung cấp. Nhưng tới nay gần như chưa có đề nghị nào được hệ thống phân phối xem xét, điều chỉnh. Hệ thống này đang rà soát kiểm tra kỹ lưỡng các yếu tố đầu vào, nếu đề xuất có cơ sở hợp lý thì mới nghiên cứu để thay đổi”, ông Phương nói.

Bên cạnh đó, Tp.HCM vẫn duy trì bình ổn thị trường, trong đó có mặt hàng đặc biệt là lương thực, thực phẩm thiết yếu. Một số hàng hóa có lượng hàng chiếm tới 30-50% thị phần.

Nhiều doanh nghiệp đã cam kết giữ giá hàng hóa ổn định một tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Do đó, người dân có thể yên tâm từ nay đến cuối tháng 3, giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được giữ ổn định.

Nhưng tại chợ truyền thống, giá cả phụ thuộc vào lượng hàng, lượng khách mua sắm nên giá sẽ được điều chỉnh liên tục. Những ngày qua đã có dấu hiệu giá một số mặt hàng tươi sống, đặc biệt là rau củ quả có chiều hướng tăng. Nguyên nhân là chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu phục vụ công tác tưới tiêu tăng, ảnh hưởng đến giá hàng hóa.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM: Bài toán duy trì bình ổn thị trường

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM cho biết, các doanh nghiệp đang đồng hành cùng chính quyền Tp.HCM nỗ lực bình ổn giá tiêu dùng.

Về tình hình giá xăng dầu, ông Phương cho biết: “Từ đầu năm, các chuyên gia đã nhận định và có dự báo giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, thực tế diễn ra hoàn toàn khác dự báo khi giá dầu lên đến gần 140 USD/thùng do chiến tranh Nga – Ukraine”.

Liên quan đến nguồn cung từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đến nay, công suất đã khôi phục 80-85%. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 có thể đạt công suất 100%.

Để đảm bảo việc cung ứng xăng dầu, từ cuối tháng 2, Bộ Công Thương đã có kế hoạch nhập khẩu, tính toán để đảm bảo nguồn cung. Ngoài nguồn cung ứng từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương có kế hoạch cho 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu lên tới 2,4 triệu tấn.  Với kế hoạch này, cơ bản đảm bảo đủ nguồn cung theo nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Vì thế, việc thiếu xăng cục bộ phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận, cung ứng của các nhà phân phối cụ thể. Tuy nhiên, Sở Công Thương Tp.HCM khẳng định các thương hiệu và tập đoàn xăng dầu lớn hoàn toàn đảm bảo việc dự trữ và cung ứng.

Sở Công Thương đã có kế hoạch, dự kiến làm việc với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) để có phương án hỗ trợ lưu thông trong giờ cao điểm cho xe bồn chở xăng.

Thời gian qua, do dự báo xăng tăng, người dân tập trung đi mua để dự trữ. Do đó, nhiều thời điểm có hiện tượng việc cung ứng hàng hóa khó khăn khi nhu cầu tăng cao mà xe bồn không thể di chuyển vào ban ngày mà chỉ được lưu thông ban đêm. Khi lượng người mua nhiều thì có khả năng sẽ thiếu hụt.

Trả lời câu hỏi của Người Đưa Tin về phương án của Tp.HCM hỗ trợ doanh nghiệp để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu sau tháng 3, ông Phương cho biết, Sở Công Thương và Sở Tài chính sẽ dựa trên tình hình, tham mưu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chi phí đầu vào và có thể tăng ở mức phù hợp cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, giữ giá ổn định lâu dài.

“Nếu chi phí đầu vào tăng quá cao thì phải tính toán điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, cân bằng lợi ích với xã hội”, ông Phương cho hay.