Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy

Về tinh giản biên chế, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng việc này phải gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy, gắn với cơ cấu lại bộ máy và gắn với đánh giá, xếp loại cá

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý I của Bộ Nội vụ chiều 30/3, liên quan đến việc rà soát, sắp xếp các Bộ, ngành tinh giản được bao nhiêu? Ông Trần Văn Khiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế cho biết, thực hiện thông báo kết luận số 16 của Ban chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ngày 21/1/2022, gần đây là công điện số 29 ngày 28/2 của Thủ tướng Chính phủ, cho đến nay các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp và đề xuất dự thảo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ gửi Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định.

Tiêu điểm - Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy

Quang cảnh buổi họp báo.

Ông Khiêm cho hay, thực hiện theo tinh thần của Ban chỉ đạo quản lý, sắp xếp tổ chức bộ máy và công điện của Thủ tướng Chính phủ, đối với các tổ chức thuộc cơ cấu của Bộ, ngành thực hiện theo quy định của Chính phủ, nếu ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan thẩm định trong quá trình thẩm định có vướng mắc báo cáo Ban chỉ đạo trước khi trình Chính phủ xem xét quyết định, đến nay đã hoàn thành được chỉ định, những vấn đề đảm bảo được sẽ trình Chính phủ xem xét.

“Chưa thể nói có kết quả cụ thể, có những ý kiến còn khác nhau giữa các Bộ, cơ quan đề xuất… đang báo cáo xin ý kiến các cấp thẩm quyền”, ông Khiêm nói.

Về tinh giản biên chế, ông Khiêm cho hay, gần đây nhất có kết luận số 28 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Vụ Tổ chức - Biên chế đang xây dựng kế hoạch báo cáo lãnh đạo Bộ và báo cáo các cấp chính quyền để thực hiện trong thời gian tới.

Thông tin thêm tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, về rà soát chức năng nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chính phủ, tổng số hiện nay có 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan Chính phủ (nếu tính thêm 2 đại học Quốc gia) thì tổng số lên đến 32 cơ quan.

Trong quá trình rà soát, chức năng nhiệm vụ thì phải đảm bảo theo đúng nguyên tắc của Nghị quyết 18, Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các Nghị định của Chính phủ về tiêu chí thành phần tổ chức như: Nghị định 171 (sửa Nghị định 123 năm 2016) về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Nghị định 47 cơ quan thuộc Chính phủ… các tiêu chí thành lập tổ chức rất rõ ràng, mạch lạc để bảo đảm tính liên thông, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.

Tiêu điểm - Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy (Hình 2).

Làm sao vừa làm vừa đảm bảo tính ổn định, tính hiệu lực hiệu quả của từng bộ máy (Ảnh minh họa).

Về tinh giản biên chế, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng việc này phải gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy, gắn với cơ cấu lại bộ máy và gắn với đánh giá, xếp loại cán bộ công chức.

“Bộ Nội vụ rất tích cực cùng Bộ Tư pháp để trình Thủ tướng Chính phủ, nhưng trước khi trình Chính phủ phải báo cáo Ban chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng và sẽ cố gắng phấn đấu tích cực nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, quá trình rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy về nhân sự là những vấn đề cực kỳ nhạy cảm, rất phức tạp, làm sao vừa làm vừa đảm bảo tính ổn định, tính hiệu lực hiệu quả của từng bộ máy.

“Liên quan đến việc nêu gương của Bộ Nội vụ, sau khi có Nghị quyết 18, Trung ương 6 khóa XII, chương trình hành động Chính phủ thực hiện Nghị quyết, Bộ Nội vụ tích cực rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy bên trong. Trường đào tạo Bồi dưỡng đã được hợp nhất, sáp nhập về Học viện Hành chính… đặc biệt cấp phòng trong Vụ thuộc Bộ… cơ bản không còn. Các đầu mối thuộc học viện, trường, cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng có tổng rà soát lại”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho hay.

Về định hướng sắp xếp của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng cho biết, Bộ được Chính phủ giao quản lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính, phải làm nghiêm túc theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật.

“Nguyên tắc phải quán triệt nguyên tắc một việc, tức là một đơn vị, một tổ chức có thể làm nhiều việc. Một việc chỉ giao cho một đơn vị làm đầu mối chủ trì, đảm bảo tính sử dụng đội ngũ của chúng ta thực sự hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh.

66,2% TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết thêm, từ đầu năm đến nay Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, trong đó đã yêu cầu các bộ ngành tập trung rà soát, xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp nhằm kịp thời tháo gỡ những nút thắt về thể chế, bám sát thực tiễn để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được các bộ ngành tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao. Tính đến cuối tháng 2/2022, cả nước có 6.704 TTHC đang có hiệu lực thi hành, trong đó: 3.996 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, ngành T.Ư; 1.450 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan T.Ư đóng tại địa phương; 1.642 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền địa phương.

Đến nay, đã có 66,2% TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Các bộ, ngành, địa phương vừa qua đã tập trung xây dựng, nâng cấp các cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất từ T.Ư đến địa phương… Cổng Dịch vụ công quốc gia chính thức được vận hành từ tháng 12/2019 đến nay đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; đã tích hợp, cung cấp trên 3.593 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 53,6% tổng số TTHC. Những con số đó cho thấy chuyển biến rất tích cực của các bộ ngành, địa phương so với thời gian trước.