3 người chết, mất tích; hơn 270 ghe thuyền, lồng bè bị chìm, thiệt hại vì mưa lũ
Báo cáo nhanh công tác phòng chống thiên tai ngày 3/4, của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, đợt mưa lũ bất thường tại các tỉnh miền Trung đã làm 2 người chết, 1 người mất tích; 2 nhà bị sập, 49 nhà tốc mái; 229 ghe thuyền bị chìm, 2.543 lồng bè bị thiệt hại; 6 điểm sạt lở giao thông; 103.057ha lúa, hoa màu bị thiệt hại,...
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương khẩn trương, tranh thủ khắc phục sớm nhất, nhanh nhất thiệt hại, hỗ trợ ngay cho người bị thiệt hại ổn định cuộc sống, có chính sách giúp dân tái sản xuất.
Thường xuyên nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó với đợt mưa từ đêm 03-06/4.
Các địa phương tập trung, hỗ trợ người dân về lương thực để không hộ nào bị thiếu đói.
Huy động lực lượng giúp nhân dân vệ sinh môi trường, khôi phục nhà ở bị tốc mái, ngập lụt, ổn định đời sống ngay sau khi lũ rút; vệ sinh các cơ sở hạ tầng, công sở để sớm đi vào hoạt động.
Chỉ đạo cơ quan điện lực kiểm tra mạng lưới điện, công ty công viên cây xanh rà soát những cây có khả năng gãy, đổ để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Tổ chức rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại và kịp thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ khi vượt quá khả năng khắc phục của địa phương.
Mưa lũ bất thường giữa mùa khô kèm theo dông lốc, sóng lớn
Ngày 3/4, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 02/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông Công an nhân dân; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Theo nội dung công điện, những ngày qua tại khu vực miền Trung đã xảy ra mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến 200-500mm, có nơi tới trên 750mm. Đây là đợt mưa lũ bất thường ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn đã gây thiệt hại về người, nhà cửa, đặc biệt là thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản, nhất là tại các tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT Bộ Công an) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn về người, tài sản. Tập trung vào các nội dung sau:
Phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, trọng tâm là Công điện số 298/CĐ-TTg ngày 02/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường xảy ra tại miền Trung.
Thứ hai, theo dõi sát diễn biến mưa lũ để triển khai ngay các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và hành động theo đúng phương châm "lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an".
Căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ nhân dân theo quy định, huy động lực lượng Công an địa phương, Công an xã chính quy và các Trung đoàn Cảnh sát cơ động giúp nhân dân thu hoạch nông sản, hoa màu, thủy sản,...
Đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa phương xảy ra thiên tai, mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập lụt, chia cắt, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa, lũ.
Chủ động sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Thứ ba, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương; thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn.
Thứ tư, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong chính cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.
Thứ năm, kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Tổ chức trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323; Fax: 069.2341044)./.