Sửa Luật Dầu khí cần làm rõ địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định rõ, cụ thể hơn, chặt chẽ, minh bạch hơn nữa về địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong Luật Dầu khí sửa đổi.

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 10, chiều ngày 14/4, UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thực tiễn đánh giá thi hành Luật Dầu khí được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 (Luật số 19/2000/QH10 ngày 9/6/2000) và năm 2008 (Luật số 10/2008/QH12 ngày 3/6/2008), Bộ Công Thương nhận thấy, Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tiêu điểm - Sửa Luật Dầu khí cần làm rõ địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình tại phiên họp.

Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.

Mục đích và quan điểm xây dựng Luật dầu khí (sửa đổi) đã được xác định và nêu chi tiết tại Tờ trình số 94/TTr-CP. Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 Chương 56 điều, kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Tiêu điểm - Sửa Luật Dầu khí cần làm rõ địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam (Hình 2).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu như Tờ trình của Chính phủ đã nêu.

Liên quan đến hợp đồng dầu khí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí có quy định riêng tại Luật Dầu khí về đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí) với những đặc thù trong lựa chọn nhà đầu tư và đặc thù liên quan đến tài nguyên, quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia. Tuy nhiên, đề nghị có Chương riêng quy định về nội dung này; rà soát, bổ sung quy định bảo đảm tính toàn diện, tổng thể, rõ ràng, cụ thể. Rà soát các quy định về điều kiện đối với bên dự thầu, bảo đảm phù hợp với quy định của các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Phá sản…

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, cần đảm bảo mối quan hệ của Luật Dầu khí (sửa đổi) với các luật hiện hành có liên quan trên cơ sở nguyên tắc là quy định phải rõ ràng, cụ thể, khả thi, vừa bảo đảm tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, vừa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Liên quan đến quản lý nhà nước về dầu khí, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát, chỉ quy định nội dung đặc thù, thực sự cần thiết đối với các Bộ, ngành chính; cần bảo đảm quyền chủ động trong phân công, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo quy định, không quy định lại các thẩm quyền đã được quy định trong các điều cụ thể khác, đồng thời, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tiêu điểm - Sửa Luật Dầu khí cần làm rõ địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam (Hình 3).

Quang cảnh phiên họp.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra rằng, thiết kế các điều khoản về điều tra cơ bản dầu khí còn tương đối mờ nhạt.

Cụ thể, tại Chương II chỉ có 3 điều quy định điều tra cơ bản về dầu khí gồm: nội dung điều tra cơ bản về dầu khí; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí; tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí. Nhấn mạnh điều tra cơ bản là một trong lĩnh vực quan trọng đối với vấn đề dầu khí, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng về nội hàm và bản chất của điều tra cơ bản, quy định chặt chẽ và toàn diện hơn đối với nội dung này.

Về địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật quy định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước. Điều lệ và tổ chức hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do Chính phủ quy định. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dầu khí.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định rõ, cụ thể hơn, chặt chẽ, minh bạch hơn nữa về địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.