Ngày 21/5, dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Tập đoàn TH được khởi công ở làng Nikolo-Mikhailovka, quận Yakovlevsky, một khu vực hẻo lánh cách thành phố Vladivostok, thủ phủ của vùng Viễn Ðông (Liên bang Nga) hơn 330 km. Chính quyền địa phương đang tràn đầy kỳ vọng về những tác động tích cực của dự án sẽ thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp vùng.
Dự án bao gồm xây dựng một trang trại quy mô 6.000 con bò vắt sữa (tổng đàn 12.000 con); xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 250 tấn/ngày; khai thác vùng nguyên liệu rộng 13.000 ha. Tổng vốn đầu tư là 19 tỷ rub (tương đương hơn 5.200 tỷ đồng).
Theo Nhân Dân, chính quyền vùng bàn giao cho Tập đoàn TH hơn 13.000 ha nhưng có những thửa đất được giao địa hình bao quanh bởi các dòng sông và thường ngập lụt vào mùa mưa sau khi được gieo trồng. Và tập đoàn này phải cải tạo trước khi đưa vào sử dụng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông Nguyễn Hồng Thành cho biết, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông đã tăng đáng kể, từ chưa đến 60 triệu USD năm 2015 lên gần 300 triệu USD năm 2023.
Mức tăng trưởng cao gấp 5 lần này nhờ nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai bên trong những năm qua, cộng hưởng thêm từ hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) và các tuyến vận tải biển nối liền cảng Vladivostok đến các cảng của Việt Nam, tuyến đường sắt liên vận qua Trung Quốc từ ga Gia Lâm của Việt Nam đến ga Chita của chủ thể liên bang Zabaikal.
Viễn Đông là vùng lãnh thổ rộng lớn, chiếm tới 41% diện tích về phía Đông của Liên bang Nga. Viễn Đông có vị trí địa lý rất quan trọng khi tiếp cận hai đại dương là Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương và được xem là cây cầu bắc sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Nga.
Vị trí địa lý gần gũi, diện tích rộng lớn, dân cư còn thưa, tài nguyên giàu có, chính sách thân thiện là những điều kiện khiến vùng đất này hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù Viễn Đông không phải thị trường lớn với dân số chỉ khoảng 8,2 triệu người, nhưng kim ngạch thương mại của vùng này với thế giới đạt mức cao.
Như vậy có thể thấy dư địa tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông còn rất lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét tăng khối lượng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh vào thị trường này, từ nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, hàng dệt may, da giày, cho đến những sản phẩm điện tử, điện máy, thiết bị và máy móc.
Hiện nay trên thị trường Viễn Đông đã xuất hiện khá nhiều hàng tiêu dùng, thực phẩm mang thương hiệu của Việt Nam. Tại các chuỗi siêu thị như Samberi, Remi của Viễn Đông đã xuất hiện nước trái cây, đồ uống có ga, đồ uống có cồn như bia, các loại thực phẩm chế biến của Việt Nam.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok và Đại diện Thương mại Việt Nam tại Viễn Đông cho biết đang tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư Việt Nam để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng Cảng cạn Việt Nam tại Vladivostok.