Trong thế giới kiếm hiệp Kim Dung, ẩn chứa vô số bí kíp võ công độc đáo, mỗi bí kíp mang theo sức mạnh và câu chuyện riêng. Tuy nhiên, không phải tuyệt học nào cũng được xem là dễ dàng luyện tập và mang lại lợi ích cho người sử dụng. Thất Thương Quyền của phái Không Động là một ví dụ điển hình cho điều này.
Sức mạnh tiềm tàng của Thất Thương Quyền
Theo miêu tả của cố nhà văn Kim Dung, Thất Thương Quyền là môn quyền pháp trấn sơn của phái Không Động, sở hữu uy lực phi thường. Khi sử dụng, quyền pháp này không chỉ tạo ra lực đánh mạnh mẽ mà còn ẩn chứa bảy loại kình lực khác nhau, biến hóa khôn lường khiến đối thủ khó lòng lường trước. Nhờ đặc điểm này, Thất Thương Quyền có khả năng phá hủy đối thủ từ bên trong, khiến họ không thể chống đỡ. Nếu dùng Thất Thương Quyền đánh vào thân cây, trông thì không thấy gì, song một lát sau lá cây héo dần vì bên trong các thớ gỗ đã bị rã rời, chỉ cần đẩy nhẹ là cây có thể ngã.
Nguy cơ tiềm ẩn
Tuy nhiên, sức mạnh phi thường của Thất Thương Quyền đi kèm với một cái giá đắt. Để luyện thành môn võ công này, người luyện cần có nội lực thâm hậu và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình luyện tập. Nếu nội lực không đủ hoặc luyện tập sai cách, người luyện sẽ tự làm tổn hại cho bản thân. Cụ thể, mỗi lần luyện cao hơn một bậc, cơ thể sẽ bị tổn hại thêm một mức, ảnh hưởng đến nội tạng và sức khỏe.
Vì những nguy cơ tiềm ẩn kể trên, Thất Thương Quyền trở thành môn võ công ít người dám luyện tập, ngay cả để tự trong phái Không Động cũng không có mấy ai dám luyện. Trong lịch sử, chỉ có tổ sư Mộc Linh Tử luyện thành công và vang danh thiên hạ.
Hậu quả của việc cố luyện Thất Thương Quyền
Mặc dù ẩn chứa nhiều nguy hiểm, nhưng khi luyện thành công, người sử dụng có thể sở hữu uy lực vô biên, nên Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn đã đánh cắp và bất chấp nguy hiểm để tu luyện. Tuy nhiên, do nóng lòng trả thù, Tạ Tốn đã vội vàng luyện Thất Thương Quyền cấp tốc khiến tâm mạch bị tổn thương, thỉnh thoảng nổi điên không nhận ra người quen và sát hại những người xung quanh.
* Bài viết này là góc nhìn của tác giả. Bạn đọc có thể có những suy nghĩ và ý kiến khác.
Quốc Tiệp
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/kiem-hiep-kim-dung-mon-vo-cong-ky-la-cua-phai-khong-dong-it-nguoi-dam-luyen-a87395.html