Đề xuất 3 căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 118/2021/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã đề xuất nhiều quy định mới về lập biên bản vi phạm hành chính.

Bộ Tư pháp đã công bố tài liệu thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo nội dung dự thảo tờ trình, trong quá trình triển khai thi hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã nhận kiến nghị của cử tri và văn bản từ bộ, ngành, địa phương phản ánh một số vướng mắc, bất cập lớn.

Cụ thể, quy định về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt trong một số trường hợp chưa có cách hiểu thống nhất, ví dụ như việc áp dụng quy định về thủ tục, biểu mẫu đối với hành vi vi phạm đã kết thúc từ trước thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC có hiệu lực;…

Chưa có quy định về việc xác định thế nào là một hành vi vi phạm hành chính để áp dụng tình tiết vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm.

Quy định về áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chưa có quy định cụ thể về một số trường hợp như: Nguyên tắc xác định mức phạt tiền; thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp hành vi vi phạm có 01 tình tiết tăng nặng, 01 tình tiết giảm nhẹ sau khi đã bù trừ; chưa quy định đầy đủ nguyên tắc xác định mức phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần hoặc thực hiện nhiều hành vi vi phạm; việc áp dụng hình thức tước quyền sử dụng có thời hạn và thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng theo quy định của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP chưa bảo đảm tính răn đe, công bằng.

Quy định liên quan đến lập biên bản vi phạm hành chính tại Điều 58 Luật XLVPHC và Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện:

- Quy định về các trường hợp áp dụng thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính tại các điểm c và đ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP chưa rõ ràng, thống nhất trong cách hiểu và áp dụng.

- Chưa có quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính trong một số trường hợp cụ thể để giải quyết thực tiễn tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, ví dụ như việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm hoặc nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm trong các trường hợp cụ thể.

- Vướng mắc xuất phát từ quy định về thời hạn chuyển biên bản vi phạm hành chính là 24 giờ tại khoản 5 Điều 58 Luật XLVPHC dẫn đến trường hợp ra quyết định xử phạt trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính có vi phạm thủ tục xử phạt.

Các quy định liên quan đến sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP phát sinh một số vướng mắc, bất cập:

- Điểm đ khoản 1 Điều 13 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định huỷ bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính” quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật XLVPHC. Bên cạnh đó, trường hợp “không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật XLVPHC lại không phải huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, việc quy định hủy bỏ quyết định xử phạt khi áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong một số trường hợp không thực sự cần thiết, mà chỉ cần quy định sửa đổi, bổ sung, tránh những hậu quả pháp lý hông cần thiết khi các quyết định sai sót phải hủy bỏ.

- Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ các quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính của Trường đoàn thanh tra chuyên ngành khi hết thời hạn thanh tra hoặc của chức danh có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn hoặc của chức danh do thay đổi cơ cấu tổ chức dẫn đến không còn thẩm quyền xử phạt hoặc không còn chức danh đó nữa chưa được quy định cụ thể trong Nghị định định 118/2021/NĐ-CP.

- Một số quy định về thời hạn ra quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ quyết định; hiệu lực, thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính cần chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn cũng như Luật XLVPHC.

Quy định về thẩm quyền xem xét hoãn, giảm, miễn tiền phạt trong trường hợp chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để tổ chức thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP không thực sự phù hợp với Điều 76 và 77 Luật XLVPHC.

Quy định về việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp không thể xác định được theo nguyên tắc của Điều 52 Luật XLVPHC như: Vụ việc có nhiều hành vi vi phạm thuộc nhiều ngành khác nhau, nhưng có hành vi vi phạm không thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; việc chuyển vụ việc có tang vật là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc người có thẩm quyền xử phạt cao nhất là không thực sự cần thiết, trong khi Luật XLVPHC sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã mở rộng hơn thẩm quyền tịch thu của một số chức danh.

Một số quy định về quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng như một số biểu mẫu trong xử phạt vi phạm hành chính cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung để có sự thống nhất, cụ thể, phù hợp thực tiễn.

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 06/QĐ-TTg), trong đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động Công dân số (VNEID) trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, hoạt động ngân hàng, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm... Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính đang quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, theo đó, khi áp dụng hình thức xử phạt này, người có thẩm quyền xử phạt sẽ tước bản giấy giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người vi phạm.

Để triển khai kịp thời, hiệu quả và đồng bộ với Quyết định số 06/QĐ-TTg, nhằm thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, thì cần phải có quy định về việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử, tạo sự linh hoạt trong quy trình xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, căn cứ các văn bản như: Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN,… các cơ quan nhà nước đã và đang tăng cường thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy phép trên môi trường mạng

Do đó, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục xử phạt để đáp ứng yêu cầu này.

Đề xuất điều chỉnh thời gian lập biên bản vi phạm hành chính

Trong đó có viêc đề xuất quy định mới về lập biên bản vi phạm hành chính so với hiện hành tại Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

Theo đó, việc lập biên bản vi phạm hành chính sẽ được dựa trên 3 căn cứ như sau:

(1) Đối với hành vi vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc trường hợp vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện hoặc trường hợp cần thiết khác thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có trách nhiệm lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc.

(2) Biên bản làm việc quy định tại điểm a khoản này hoặc các biên bản, tài liệu ghi nhận vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước hoặc tiến hành tố tụng là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính.

(3) Trường hợp người đang xem xét, xử lý vụ việc không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thì biên bản, tài liệu quy định tại (2) và hồ sơ kèm theo (nếu có) phải được chuyển kịp thời cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

Cụ thể tại Dự thảo Nghị định, quy định về thời gian lập biên bản vi phạm hành chính được đề xuất như sau:

(I) Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính (Hiện hành thời gian lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp này là 2 ngày).

(II) Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính (Giữ nguyên).

(III) Đối với vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền lập biên bản, thì thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính không quá 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại (I) và không quá 5 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại (II), kể từ ngày người có thẩm quyền lập biên bản nhận được hồ sơ; (Quy định mới)

(IV) Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm (Hiện hành thời gian lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp này là 3 ngày).

(V) Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm (Hiện hành thời gian lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp này là 3 ngày).

T.M

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/de-xuat-3-can-cu-lap-bien-ban-vi-pham-hanh-chinh-a87221.html