Cảnh giác trước các loại ma tuý “núp bóng” dưới dạng thực phẩm

Để dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng, các nhóm tội phạm đã ngụy trang ma túy pha trộn, tẩm ướp vào thực phẩm, thức ăn, đồ uống, thuốc lá điện tử.

Công an TPHCM vừa phát đi thông tin cảnh báo xuất hiện các loại ma túy núp bóng thực phẩm, thuốc lá điện tử nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên.

Thủ đoạn của các đối tượng là trộn ma túy trong bánh, kẹo, đồ uống, thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử và thiết kế với bao bì bắt mắt, hương vị thu hút để dễ dàng tiếp cận giới trẻ. Các loại ma túy này sẽ gây ra ảo giác, có thể xuất hiện hiện tượng co giật, hôn mê... và người trẻ nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này rất dễ bị ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường trao đổi, mua bán qua các nhóm kín, mạng xã hội nước ngoài và sử dụng các đơn vị trung gian để vận chuyển. Ngoài ra, thị trường xuất hiện loại ma túy mới với tên gọi “socola bay”, được rao bán công khai trong các hội nhóm như: Hội đồng bay lắc (hơn 6.000 thành viên); Socola Monkey Chill - Chuyên sỉ lẻ toàn quốc (hơn 6.000 thành viên); Socola bay Luxury (hơn 1.000 thành viên). Các chất trong “socola bay” được xác định thuộc nhóm cần sa tổng hợp.

Qua đấu tranh, lực lượng công an ghi nhận các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn nhập ma túy dạng bột trái phép từ nước ngoài về Việt Nam để bào chế, gia công đóng, dập thành ma túy dạng viên; chia nhỏ ma túy để ngụy trang, cất giấu lẫn trong các loại hàng hóa và thuê căn hộ, chung cư để cải tạo, làm nơi cất giấu, tổ chức mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy...

Công an TPHCM khuyến cáo người dân, đặc biệt là giới trẻ cần nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức để nhận biết dấu hiệu thường gặp ở người sử dụng ma túy, theo dõi các thông tin về tác hại của ma túy, đặc biệt là các loại ma túy mới…

Các bậc phụ huynh cần quan tâm, giáo dục, khuyến cáo con em không tham gia tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc.

Trong năm 2023, lực lượng Công an TPHCM đã triệt phá hơn 2.200 vụ, với hơn 4.900 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tăng 955 vụ và tăng 858 đối tượng so với năm 2022.

Quý I/2024, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 813 vụ, với hơn 2.000 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy. Cơ quan điều tra đã khởi tố 671 vụ, với 1.202 bị can; xử lý hành chính 125 vụ, với 800 đối tượng; thu giữ hơn 15kg heroin, hơn 64kg cần sa và gần 249kg ma túy khác các loại...

Trong khi đó, theo thông báo của Bộ Công an, năm 2023, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 442 vụ, 808 đối tượng có liên quan đến các loại ma túy “núp bóng” và thuốc lá điện tử. Trong đó, đã khởi tố 345 vụ án, hơn 600 bị can phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy dạng “núp bóng” (tăng gần 07 lần so với năm 2022).

Năm 2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an triệt phá thành công vụ pha chế, đóng gói “nước vui”, thu 217 kg ma túy tổng hợp, 208 kg vỏ bao bì cùng nhiều dụng cụ, phương tiện dùng để pha trộn, đóng gói ma túy; ước tính với số bao bì trên, các đối tượng có thể đóng gói 01 tấn ma túy “nước vui”.

Gần đây, tháng 11/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an tiếp tục đấu tranh, khám phá thành công vụ pha chế, sản xuất thuốc lá điện tử có tinh dầu cần sa tổng hợp xảy ra tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, thu giữ 3.600 điếu thuốc lá điện tử, hơn 84 lít dung dịch ma túy, hóa chất hoặc vụ phun tẩm, tạo ra hơn 250 kg ma túy dạng “cỏ Mỹ” tại Nha Trang, Khánh Hòa…

Để phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, đặc biệt là việc bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm hoạ của các loại ma túy mới, mỗi người dân cần hết sức cảnh giác và chú ý:

- Thường xuyên cập nhật thông tin về âm mưu, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, chủ động nhận biết ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử:

Ma túy “núp bóng” được tạo ra với nhiều tên gọi, mẫu mã, chất ma túy khác nhau, phân loại theo 02 dạng:

+ Công khai hợp pháp: dưới các dạng hàng hoá được sản xuất, đóng gói được cấp phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới với hàm lượng chất ma túy quy định, được in trên bao bì, có cảnh báo người dùng hoặc bán theo đơn. Nếu lạm dụng có thể gây nghiện, ngộ độc, thậm chí tử vong. Vừa qua, cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp các đối tượng lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở Hạ Long, Quảng Ninh. Loại này, người dùng có thể bị nhầm lẫn dùng quá liều gây nguy hiểm đến tính mạng.

+ Bất hợp pháp: do tội phạm thực hiện bằng cách “pha trộn”, “tẩm ướp” ma túy, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... Các sản phẩm “núp bóng” đã phát hiện ở nước ta như: (1) Nước trái cây “Crispy Fruit” hương dâu, hương nho, hương xoài, chứa chất Bromazepam, Nimetazepam đều là chất ma túy (thuộc danh mục III, Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ); (2) Socola nhãn hiệu “Chill Max” có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA thuộc Danh mục IIC, Nghị định 57); các loại “nước vui”, “nước biển” chứa chất ma túy GHB (thuộc danh mục IIC, Nghị định 57); (3) Bánh cần, bánh lười “Lazy cakes” chứa cần sa; (4) Nước nho chứa Ketamine; trà chanh, nước giải khát chứa chất ma túy Ketamine, MDMA; ma túy “đông trùng” chứa Nimetazepam được ngụy trang trong các gói nhỏ in hình đông trùng hạ thảo trên bao bì…

Đặc điểm của các loại ma túy “núp bóng” này là có bao bì bắt mắt ngụy trang dưới dạng thực phẩm, đồ uống (bánh kẹo, cà phê, nước vui, nước hoa quả, nước đông trùng…); dạng thuốc lá dùng để hút (thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới), thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc khô và dạng sản phẩm chức năng chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp. Người dân nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa “pha trộn”, “tẩm ướp” này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Phương thức, thủ đoạn lưu hành các loại ma túy “núp bóng” của các đối tượng chủ yếu là sản xuất, đóng gói ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước; hoặc sản xuất ở trong nước, trà trộn vào các loại hàng hoá thông dụng, hình thức bắt mắt, giá thành rẻ, quảng cáo gây hiểu lầm có tác dụng thần kỳ, tạo khoái cảm, tăng lực, không có chất cấm, không có tác hại đối với người tiêu dùng nhằm thu hút khách hàng, tập trung vào giới trẻ thông qua buôn bán trên các nền tảng mạng xã hội hoặc mua bán trực tiếp nơi có đông thanh thiếu niên lui tới.

- Không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.

- Khi phát hiện nghi vấn liên quan đến ma túy “núp bóng”, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

T.M (tổng hợp)

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/canh-giac-truoc-cac-loai-ma-tuy-nup-bong-duoi-dang-thuc-pham-a87076.html