Kon Tum: Nhiều mô hình sinh kế giúp người dân xã biên giới thoát nghèo

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi, thay thế những cây trồng truyền thống sang mô hình sinh kế mới, nhiều người dân xã biên giới của tỉnh Kon Tum có cuộc sống ấm no, khởi sắc.

Mạnh dạn thoát nghèo

Nhiều năm qua, cuộc sống của người dân xã Ya Ly (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) gặp rất nhiều khó khăn. Người dân nơi đây trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Họ quanh năm canh tác những cây trồng truyền thống như mỳ, bời lời, năng suất thấp, giá thành không cao nên cái nghèo, cái đói bủa vây.

Những năm gần đây, được sự tuyên truyền, động viên và hướng nghiệp của chính quyền địa phương, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng truyền thống sang mô hình kinh tế mới, cây giống mới, vật nuôi mới. Nhờ vậy, cuộc sống dần ổn định, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn được đẩy lùi. Nhiều hộ vươn lên khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang.

Từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống quanh năm chỉ đủ ăn, nhờ áp dụng hướng đi mới trong nông nghiệp mà giờ đây anh A Tuých (ngụ làng Chứ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) có của ăn của để.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Tuých kể, trước kia cuộc sống của gia đình bấp bênh, nguồn thu nhập hàng tháng không ổn định. Dù hai vợ chồng làm quần quật chăm sóc vườn bời lời, nhưng khi thu hoạch năng suất kém, giá cả lại không đáng kể nên cuộc sống rất bấp bênh.

Anh Tuých chia sẻ: “Năm 2018, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, định hướng chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao thu nhập. Thấy cán bộ xã định hướng hợp tình hợp lý, tôi thống nhất với vợ chuyển đổi mô hình canh tác.

Được cán bộ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, tôi mạnh dạn chuyển 4.000m2 đất trồng bời lời sang sầu riêng. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật vào sản xuất nên vườn sầu riêng của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Một tháng nữa, vụ sầu riêng cho thu bói khoảng 2 tấn với mức giá dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Vườn cho năng xuất quả tốt, giá cả như thế này khiến gia đình tôi rất phấn khởi”.

Dân sinh - Kon Tum: Nhiều mô hình sinh kế giúp người dân xã biên giới thoát nghèo

Anh Tuých mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế. 

Ngoài nông nghiệp, sau khi được hướng nghiệp, gia đình anh A Ir (ngụ làng Chờ, xã Ya Ly) thích thú với mô hình nuôi cá lồng. Mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy phối hợp với UBND xã Ya Ly triển khai.

Thời gian đầu khi mới tiếp cận, anh A Ir khá lo lắng vì chưa thử nghiệm bao giờ nên không biết sẽ gặp những khó khăn gì. Đồng thời, là một trong những hộ tiên phong nên anh còn lo lắng về hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, anh được chính quyền địa phương hỗ trợ về con giống, một phần chi phí thức ăn và kỹ thuật nên cũng tự tin hơn. Lứa đầu tiên, anh nuôi 2 lồng, thu về gần 40 triệu đồng.

Anh A Ir phấn khởi cho biết: “Việc nuôi cá lồng cũng không mấy phức tạp vì kỹ thuật đã được các cán bộ hỗ trợ. Nguồn nước ở hồ Ya Ly cũng dồi dào, giàu dinh dưỡng. Tôi nhận thấy mô hình này mang lại nhiều hiệu quả kinh tế nên sẽ cố gắng duy trì và nhân rộng, để tăng nguồn thu nhập cho gia đình”.

Để công tác tuyên truyền, mô hình đạt hiệu quả cao, xã Ya Ly tích cực tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc vật nuôi. Ngoài ra, cử cán bộ quan tâm, theo dõi để kịp thời hỗ trợ về kỹ thuật và những vướng mắc cho người dân.

Đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế

Ông Đinh Trọng Lịch, Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết, trong những năm qua, xã Ya Ly có nhiều chương trình, mô hình thiết thực để quan tâm, hỗ trợ người dân khó khăn.

Riêng năm 2023, địa phương hỗ trợ 78 hộ dân nuôi bò sinh sản, 11 hộ dân nuôi heo thịt. Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy hỗ trợ 13 con bò sinh sản cho 13 hộ nghèo, cận nghèo.

Ngoài ra, xã cùng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình nuôi cá lồng với quy mô 6 lồng/3 hộ dân tham gia; hỗ trợ 32 hộ dân thực hiện cải tạo vườn tạp; hỗ trợ 5 hộ dân thực hiện mô hình trồng sầu riêng theo hướng Vietgap.

Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, vận động nên nhiều hộ dân thay đổi nhận thức, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Qua đó, bà con chủ động học hỏi kinh nghiệm để nâng cao trình độ sản xuất, tự lực vươn lên thoát nghèo.

Dân sinh - Kon Tum: Nhiều mô hình sinh kế giúp người dân xã biên giới thoát nghèo (Hình 2).

Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ mô hình kinh tế mới.

Không những vậy, người dân còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để chọn lựa loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương.

Với sự nỗ lực của chính quyền các cấp và sự tin tưởng của người dân, đến cuối năm 2023, trên địa bàn xã còn 54 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 8,75%), giảm 103 hộ nghèo, 68 hộ cận nghèo so với năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,05 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Lịch, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Đồng thời, tăng cường lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/kon-tum-nhieu-mo-hinh-sinh-ke-giup-nguoi-dan-xa-bien-gioi-thoat-ngheo-a87047.html