Dù có nhiều đời lãnh đạo bị khởi tố, vì sao công ty Nhà nước có vốn hóa hơn 60.000 tỷ vẫn lãi đều đặn 5.000 - 7.000 tỷ mỗi năm

Trước đó, VEAM cũng đã có 3 đời Tổng giám đốc bị khởi tố là ông Trần Ngọc Hà và ông Lâm Chí Quang và ông Nguyễn Thanh Giang.

Ngày 12/6, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Mua bán trái phép hóa đơn, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM. Cụ thể, Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà (Tổng Giám đốc) và Nghiêm Trọng Thăng (Phụ trách Văn phòng) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Về nguyên nhân bắt ông Phan Phạm Hà, Công an Hà Nội cho biết, theo tài liệu điều tra, Phan Phạm Hà, đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới kê khống giá trị hợp đồng; chỉ đạo lập hồ sơ thanh toán chi phí tiếp khách sai quy định, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho Tổng công ty VEAM.

Dù có nhiều đời lãnh đạo bị khởi tố, vì sao công ty Nhà nước có vốn hóa hơn 60.000 tỷ vẫn lãi đều đặn 5.000 - 7.000 tỷ mỗi năm- Ảnh 1.

Ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM vừa bị khởi tố.

Chia sẻ xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc đầu tư tại công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho biết việc Tổng giám đốc VEAM bị khởi tố dù là tin xấu nhưng không có tác động lớn đến với doanh nghiệp này. Ông Bá Huy cho biết các lãnh đạo của VEAM có thể nằm vướng vào một số vấn đề, những giá trị của doanh nghiệp dành cho cổ đông này không nằm ở chỗ đấy. 

"Kết quả kinh doanh của VEAM phụ thuộc lớn vào Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam hay Ford Việt Nam. Ngoài ra, công ty này cũng có tình hình tài chính lành mạnh và số dư tiền mặt lớn. Hàng năm công ty vẫn có lãi khoảng 6.000 tỷ - 7.000 tỷ đồng mỗi năm nên nếu vấn đề xảy ra với lãnh đạo cũng không phải quá lớn", ông Bá Huy cho biết. 

Trên thực tế, trước đó VEAM cũng đã có 3 đời Tổng giám đốc bị khởi tố là ông Trần Ngọc Hà và ông Lâm Chí Quang và ông Nguyễn Thanh Giang. Cả ba vị này đều bị kết tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Dù vậy, công ty này vẫn có lãi đều đặn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm dù vướng nhiều lãnh đạo vướng vào vòng lao lý. Về tình hình kinh doanh, năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất của VEAM đạt hơn 3.806 tỷ đồng và lãi sau thuế 6.265 tỷ đồng. Lợi nhuận chủ yếu của VEAM đến từ phần vốn nắm giữ tại các liên doanh ô tô hàng đầu là Toyota Vietnam, Honda Vietnam và Ford Vietnam.

VEAM hiện nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam. Đây là những liên doanh "đẻ trứng vàng" cho VEAM và gần như toàn bộ lợi nhuận đến từ các công ty liên doanh, liên kết này.

Dù có nhiều đời lãnh đạo bị khởi tố, vì sao công ty Nhà nước có vốn hóa hơn 60.000 tỷ vẫn lãi đều đặn 5.000 - 7.000 tỷ mỗi năm- Ảnh 2.

Còn theo báo cáo công ty mẹ của VEAM, còn được nhận một khoản lớn tiền cổ tức được trả mỗi năm từ các công ty liên doanh, liên kết này. Có những giai đoạn, tiền cổ tức VEAM được nhận còn nhiều hơn lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết.

Cụ thể, trong năm 2023, VEAM được chia cổ tức hơn 6.800 tỷ từ các công ty liên kết, trong đó, từ Honda Việt Nam 5.844 tỷ đồng, Toyota Việt Nam hơn 660 tỷ đồng hay Diesel Sông Công 153 tỷ đồng. 

Tính từ năm 2018 đến nay, tiền cổ tức VEAM được chia từ các công ty liên kết lên đến hơn 36.000 tỷ đồng. Trong đó, cổ tức đến từ Honda Việt Nam gần 26.000 tỷ đồng.

Như vậy chưa cần bán xe thì VEAM cũng là doanh nghiệp ô tô có mức lợi nhuận hàng đầu trong ngành. Thực tế thì VEAM có hoạt động sản xuất lắp ô tô tải tuy vậy thì mảng kinh doanh này đóng góp khá khiêm tốn vào kết quả chung.

Dù có nhiều đời lãnh đạo bị khởi tố, vì sao công ty Nhà nước có vốn hóa hơn 60.000 tỷ vẫn lãi đều đặn 5.000 - 7.000 tỷ mỗi năm- Ảnh 3.

Tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản của VEAM đạt 27.136 tỷ đồng. Trong đó, công ty này hiện đang sở hữu hơn 13.200 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng. Việc có hàng chục nghìn tỷ gửi ngân hàng cũng đem lại khoản lãi đều đặn hàng trăm tỷ mỗi năm cho VEAM.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của VEAM chỉ ở mức 143 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết quý 4/2023 đạt 12.218 tỷ đồng.

Có nguồn lợi nhuận dồi dào, VEAM cũng liên tục chia cổ tức tỷ lệ 40-50% bằng tiền mặt trong những năm qua. Hiện Bộ Công thương là cổ đông chính nắm hơn 88% vốn của VEAM. Hiện vốn hóa của VEAM đang ở mức hơn 61.300 tỷ đồng. 



Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/du-co-nhieu-doi-lanh-dao-bi-khoi-to-vi-sao-cong-ty-nha-nuoc-co-von-hoa-hon-60000-ty-van-lai-deu-dan-5000-7000-ty-moi-nam-a86769.html