Hai doanh nghiệp nhà nước tổng doanh thu 7.000 tỷ mỗi năm sắp hủy niêm yết để làm việc “lạ”

Ngày 27/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1263/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2025.

Ngày 12/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ban hành 2 Quyết định về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc hơn 29,4 triệu cổ phiếu TDN của Công ty cổ phần Than Đèo Nai – Vinacomin và hủy bỏ niêm yết bắt buộc gần 32,5 triệu cổ phiếu TC6 của Công ty cổ phần Than Cọc Sáu – Vinacomin.

Ngày hủy niêm yết của cả 2 cổ phiếu là ngày  25/6/2024, ngày giao dịch cuối cùng tại Sở GDCK Hà Nội là ngày 24/6/2024.

Lý do hủy là vì Công ty cổ phần Than Đèo Nai – Vinacomin và Công ty cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại (hợp nhất doanh nghiệp).

Trước đó, ngày 13/5/2024, Công ty Cổ phần Than Đèo Nai-Vinacomin, Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu-Vinacomin thông báo phát hành cổ phiếu để hoán đổi theo hợp đồng hợp nhất.

Theo phương án phát hành, doanh nghiệp mới sau khi Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai hợp nhất có tên là CTCP Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV. Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV dự kiến sẽ phát hành gần 62 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Than Cọc Sau và Than Đèo Nai để đổi lấy toàn bộ cổ phiếu của các cổ đông trong 2 doanh nghiệp này theo tỷ lệ hoán đổi 1:1. Tương ứng, 1 cổ phiếu của CTCP Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV sẽ được hoán đổi lấy 1 cổ phiếu TC6 hoặc 1 cổ phiếu TDN.

Cả Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai đều đang là công ty con do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nắm 65% vốn điều lệ. Những năm gần đây, TC6 thường có doanh thu khoảng 2.000 - 3.000 tỷ mỗi năm còn TDN có doanh thu khoảng 3.000 - 4.000 tỷ, tổng doanh thu 2 doanh nghiệp trong khoảng 5.000 - 7.000 tỷ đồng.

photo-1718188111302

 Hai doanh nghiệp nhà nước tổng doanh thu 7.000 tỷ mỗi năm sắp hủy niêm yết để làm việc “lạ”- Ảnh 2.

Ngày 27/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1263/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2025.

Mục tiêu của Đề án là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động để TKV trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển bền vững, hài hòa với môi trường và người lao động; phát triển phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng mới; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để triển khai Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đến năm 2025, theo lộ trình đến tháng 7/2024, TKV sẽ tiến hành hợp nhất 2 mỏ lộ thiên Công ty CP Than Cọc Sáu và Công ty CP Than Đèo Nai. Lộ trình thực hiện dự kiến Công ty Cổ phần Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV bắt đầu hoạt động từ ngày 01/7/2024. Sau khi hợp nhất tổng số cán bộ, công nhân viên toàn công ty gần 3.800 người. Đảng bộ Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV sau hợp nhất có 38 chi bộ tương ứng với 23 công trường, phân xưởng, 14 phòng ban.

Từ năm 2018 đến nay, TKV đã tiến hành sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị, cụ thể: Năm 2018, sáp nhập Công ty Than Hồng Thái vào Công ty Than Uông Bí và hợp nhất Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 với Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2 thành Công ty Xây lắp mỏ. Năm 2020, Công ty CP Than Cao Sơn và Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài hợp nhất thành Công ty CP Than Cao Sơn. 

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/hai-doanh-nghiep-nha-nuoc-tong-doanh-thu-7000-ty-moi-nam-sap-huy-niem-yet-de-lam-viec-la-a86738.html