Lỗ chồng lỗ
Tháng 11/2015, cửa hàng Bách Hóa Xanh được mở tại quận Tân Bình - nơi có mật độ dân cư đông đúc nhất tại "đại đô thị" TP HCM. Chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng này lấy ý tưởng từ Alfamart - mô hình bách hóa bán lẻ thành công Indonesia và cố gắng nhân rộng nó tại Việt Nam.
Ban đầu, Bách Hóa Xanh duy trì chiến lược cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống. Nhắm đến đối thủ là chợ, doanh nghiệp này xây dựng chuỗi điểm bán lẻ có diện tích của một cửa hàng tiện lợi nhưng đảm bảo danh mục hàng hóa của một siêu thị thu nhỏ.
Nhờ chiến lược này, Bách Hóa Xanh chọn điểm bán là vùng ven ngoại thành và các tỉnh. Vị trí kinh doanh này của chuỗi cửa hàng bán lẻ được lý giải như "mũi tên trúng hai đích": dễ thở hơn về giá và ít gặp phải cạnh tranh so với các mô hình bán lẻ khác.
Song, đi kèm với thuận lợi là không ít khó khăn. Các cửa hàng nhỏ nằm sâu trong khu dân cư không thể có được lượng khách và doanh thu đủ lớn, đồng thời, các điểm bán quy mô nhỏ khi đó cũng không cho phép đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng ngày. Thế nên, dù mở 238 cửa hàng sau 3 năm hoạt động, chuỗi này vẫn phải "gồng" lỗ hơn 550 tỷ đồng, gấp 10 lần so với khoản lỗ năm 2016.
Khắc phục những hạn chế trong mô hình cũ, Bách Hóa Xanh sau đó chuỗi đổi mô hình từ truyền thống sang thiết kế mở nhằm tăng doanh thu. Diện tích mỗi cửa hàng được mở rộng từ 100m2 lên 450-500m2, số lượng shop trong chuỗi cũng "phình to".
Tuy nhiên, thêm một lần nữa, chiến lược này không mang lại hiệu quả. Đến 2021, Bách Hóa Xanh đạt hơn 2.106 cửa hàng, nhưng khoản lỗ cũng tăng vọt từ mức âm 55 tỷ năm 2016 lên mức âm 1.734 tỷ đồng (năm 2020) trước khi lỗ thêm 966 tỷ năm 2021.
Lý giải nguyên nhân của các khoản "lỗ chồng lỗ", ông Nguyễn Đức Tài cho biết, việc mở rộng ồ ạt là ngọn nguồn của vấn đề. Thêm vào đó, chi phí logistics lớn khiến giá sản phẩm bị đẩy lên cao. Ngoài ra, các lùm xùm từ đại dịch về giá cả và quy trình phục vụ khiến chuỗi đối diện với nhiều thách thức. Nhiều quỹ ngoại mất niềm tin ồ ạt rút vốn khỏi Bách Hóa Xanh.
Quá trình "tập gym" của Bách Hóa Xanh
Đối diện trước thách thức, quý II/2022, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài quyết định tái cấu trúc chuỗi.
Ông Tài tuyên bố: "Bách Hóa Xanh sẽ tiến hành ‘tập gym’ trong năm 2022, để lấy đà mở rộng ra thị trường miền Trung và Bắc từ năm 2023 đến 2025. Chúng tôi không muốn uống thuốc kích thích để có thể ngay lập tức nâng được tạ thật to hay tăng trưởng đột biến, mà muốn luyện tập từ từ để phát triển các cơ bắp nhằm có một cơ thể khỏe mạnh thật sự, mới có thể đi đường dài".
Để "tập gym" cho chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng này, Chủ tịch Thế giới di động tiến hành "giảm lượng, tăng chất".
2 năm đại dịch, Bách Hóa Xanh cần có khách hàng chứ chưa chú trọng trải nghiệm. Khi đại dịch qua, chúng tôi đang nỗ lực đảm bảo 15 phút quý báu khách hàng dành cho Bách Hóa Xanh là 15 phút trải nghiệm tốt, mọi thứ được sắp xếp rõ ràng, nhân viên phục vụ tử tế", ông Tài chia sẻ trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2022.
Bước đầu, doanh nghiệp này đóng 400 cửa hàng kinh doanh yếu kém, tập trung cải thiện quản trị, tăng trải nghiệm khách hàng, chất lượng dịch vụ thu hút người dùng. Không mở nhiều cửa hàng, nhưng chất lượng hàng hóa và danh mục hàng tươi sống là hai yếu tố được Bách Hóa Xanh tập trung để cạnh tranh với các đối thủ.
Về mặt hàng khô, ông Tài đánh giá hiện nay chất lượng hàng khô của Bách Hóa Xanh "một tám, một mười" so với siêu thị. Còn với mặt hàng tươi, Bách Hóa Xanh đang cải thiện chất lượng để nhóm hàng này có thể ngang ngửa, thậm chí tốt hơn với hàng ngoài chợ.
"Về độ vệ sinh, Bách Hóa Xanh hơn hẳn. Còn về độ tươi ngon, chúng tôi không hơn hẳn toàn bộ, nhưng với những sản phẩm chúng tôi tập trung, sẽ tốt hơn", ông Tài nói.
Đến tháng 4/2024, mục tiêu "mang tiền về cho mẹ" của Bách Hóa Xanh dần được hiện thực hóa. Theo báo cáo về tình hình kinh doanh của MWG, doanh thu Bách Hóa Xanh trong tháng 4 khoảng 3.246 tỷ đồng, tăng 41,8% so với cùng kỳ 2023.
Kết quả trên xác lập kỷ lục về doanh thu của Bách Hóa Xanh từ cuối năm 2015 đến nay. Lũy kế 4 tháng đầu năm, chuỗi này ghi nhận khoảng 12.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng doanh thu đến từ cả hai ngành hàng thực phẩm tươi sống và FMCGs. Mảng thực phẩm và hàng tiêu dùng đang đóng góp gần 29% doanh thu cho MWG, cùng kỳ là 23,5%.
Bách Hóa Xanh đang có gần 1.700 cửa hàng đến cuối tháng 4, bình quân thu gần 1,9 tỷ đồng mỗi cửa hàng. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng xấp xỉ 1,9 tỷ đồng mỗi tháng. Con số này tăng thêm 100 triệu đồng so với hồi cuối tháng 3.
Với con số này, Bách Hóa Xanh có thể đã có lãi trong tháng 4/2024, bởi theo nghiên cứu của các công ty chứng khoán cũng như thông tin phía MWG từng đưa ra, chuỗi bách hóa đạt điểm hòa vốn khi doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt 1,8 tỷ đồng. Mục tiêu này đã hoàn thành từ tháng 12/2023.
"Trước đây chúng ta lên thành phố làm việc, ba mẹ dưới quê phải gửi tiền lên để chúng ta xài. Đây là năm chiều ngược lại sẽ diễn ra. Bách Hóa Xanh sẽ bắt đầu đứng lên đem tiền gửi về quê cho ba mẹ", Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài phát biểu trong Đại hội cổ đông tháng trước.
Đánh giá về triển vọng của Bách Hóa Xanh, Chứng khoán KB nhận định, chuỗi bán lẻ này sẽ duy trì tăng trưởng bất chấp bối cảnh sức mua đi ngang và không mở thêm cửa hàng mới, đồng thời, trở thành động lực tương lai của MWG.
"Động lực tăng trưởng doanh thu đến đồng thời từ cả 2 mặt hàng là hàng tươi sống và hàng khô FMCG. Nhờ tỷ trọng hàng tươi sống cao giúp thu hút khách hàng mới và tăng tần suất khách hàng cũ quay trở lại, lượng hóa đơn mua hàng tăng hơn 40% dù giá trị giỏ hàng không thay đổi", báo cáo của của KB viết và dự báo doanh thu thuần năm 2024 toàn chuỗi đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, lợi nhuận cả năm đạt 100 tỷ đồng.
Đồng quan điểm, BSC đánh giá, Bách Hóa Xanh sẽ tiếp tục tăng trưởng về mặt doanh thu và ghi nhận dòng tiền từ hoạt động phát hành riêng lẻ 5%.