Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái chính thức có hiệu lực từ 1/6/2024.
Theo quy định mới, hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp sẽ bao gồm các thành phần sau đây:
Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được thay thế bằng Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BGTVT);
Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp đổi giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3;
Bản sao giấy phép lái xe và hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Trước đó, theo quy định cũ (Thông tư 12/2017/TT-BGTVT) thành phần hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp được cấp gồm:
Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.
Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp đổi giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3.
Bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Như vậy, đối chiếu theo quy định cũ, quy định mới từ 1/6/2024, người đổi giấy phép lái xe sẽ có lợi hơn khi không phải nộp kèm theo bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam).
Người học lái xe không cần phải thi tốt nghiệp từ 1/6/2024
Thay vì thi tốt nghiệp như trước đây, người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe (GPLX) phải kiểm tra các môn lý thuyết và thực hành tại cơ sở đào tạo, để được xét cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.
Cụ thể, khoản 4 Điều 4 Thông tư số 05/2024 bổ sung hình thức đào tạo lái xe đối với nội dung học lý thuyết. Theo đó, đối với các hạng B2, C, D, E, F, học viên có thể lựa chọn học lý thuyết bằng hình thức trực tuyến (từ xa), bên cạnh các kiểu khác như tập trung tại cơ sở đào tạo, tập trung kết hợp trực tuyến.
Riêng các nội dung lý thuyết như cấu tạo và sửa chữa thông thường, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kỹ thuật lái xe, hình thức học bắt buộc là tập trung tại cơ sở đào tạo. Môn thực hành vẫn học tập trung.
Từ 1/6/2024, thay vì thi tốt nghiệp như trước đây, người có nhu cầu cấp GPLX phải kiểm tra các môn lý thuyết và thực hành tại cơ sở đào tạo, để được xét cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ đào tạo. Tức là học xong môn nào thì kiểm tra môn đó, sau đó tổng hợp kết quả.
Trong khoản 8, khoản 9, Điều 4 Thông tư số 05/2024 là không quy định nội dung và phân bố chi tiết các môn học; số học sinh trên 1 xe tập lái, quy định mở và giao cơ sở đào tạo căn cứ thời gian, chương trình đào tạo và chương trình khung để xây dựng. Đồng thời cũng giao cho cơ sở đào tạo tự xây dựng từng phương án bố trí số học viên trên xe tập lái mà không quy định cứng số giờ học cho 1 khóa đào tạo như trước đây đối với đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C (Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 05/2024).
Bên cạnh đó, trước đây, Thông tư 4/2022 của Bộ GTVT quy định học viên phải có tối thiểu 4 giờ thực hành lái xe ban đêm mà không có hướng dẫn cụ thể về thời gian. Tuy nhiên, Thông tư 05/2024 của Bộ GTVT quy định rõ thời gian học lái xe ban đêm được tính từ 18h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/diem-moi-co-loi-ve-doi-giay-phep-lai-xe-tu-162024-lai-xe-can-biet-a86548.html