Tp.HCM: Xuất hiện 4 ca bệnh sởi nguy hiểm, lo ngại dịch bùng phát

Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện 4 ca mắc bệnh sởi đầu tiên trong năm 2024. Tất cả các ca bệnh đều chưa tiêm vắc-xin, lo lắng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Ngày 7/6, thông tin từ phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, đơn vị này đã ghi nhận thêm 2 ca mắc bệnh sởi trong cộng đồng, nâng tổng số ca sởi từ đầu năm 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh đến nay lên thành 4 ca bệnh.

Đáng chú ý, các ca bệnh này đều chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi. Điều này gây lo ngại về “lỗ hổng” tiêm chủng trên địa bàn, nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan rộng.

Sức khỏe - Tp.HCM: Xuất hiện 4 ca bệnh sởi nguy hiểm, lo ngại dịch bùng phát

Bệnh sởi là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tính đến ngày 3/6, trên địa bàn đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh sởi, gồm 2 ca ở quận Bình Tân và 2 ca ở huyện Hóc Môn.

4 trẻ mắc sởi đều dưới 24 tháng tuổi và chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh, trong đó một bé bị viêm phổi nặng phải thở oxy.

Ngay sau khi xuất hiện ca bệnh, các trung tâm y tế đã tiến hành khoanh vùng, điều tra dịch tễ và xử lý để bệnh không lây lan. Như vậy, sau hơn 1 năm không có ca bệnh, năm 2024 thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận sự xuất hiện trở lại của bệnh sởi.

Sởi là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan nhanh và rộng, do đó, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ là vô cùng quan trọng.

Theo bác sĩ Nga, hiện tại các trạm y tế phường, xã, thị trấn đều có vắc-xin phòng sởi cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chủ quan không đưa con em mình đi tiêm vắc-xin khiến nguy cơ trẻ mắc bệnh cao.

Tính đến hết tháng 4/2024, tỉ lệ trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%.

Mức bao phủ này đạt chỉ tiêu tối thiểu theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhưng chưa đạt chỉ tiêu của thành phố Hồ Chí Minh đề ra là trên 95%. Đây là mức bao phủ cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng, ngăn ngừa bệnh bùng phát và tiến đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, sở dĩ tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi thấp là do tình trạng gián đoạn cung ứng vắc-xin từ sau COVID-19.

Trong các năm 2022-2023, thành phố Hồ Chí Minh liên tục thiếu các loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc tiêm chủng của trẻ.

Đáng lưu ý, nhiều trẻ có sự thay đổi chỗ ở so với thông tin đăng ký ban đầu khiến cho việc huy động đưa trẻ đi tiêm chủng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có tình trạng di biến động dân cư lớn.

“Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với ngành giáo dục chủ động rà soát về tình trạng tiêm chủng của trẻ. Trong đó, tập trung vào các nhóm trẻ gia đình bởi đây là những đối tượng có sự di biến động lớn. Việc này nhằm không bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng", bác sĩ Lê Hồng Nga chia sẻ thêm.

Hiện trẻ sẽ được tiêm miễn phí 2 mũi vắc-xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. 2 liều vắc-xin này mang lại hiệu quả phòng bệnh đến 97%.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, phụ huynh nên đưa con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh, bởi đây là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài tiêm vắc-xin, người dân cũng cần lưu ý giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Khi trẻ có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/tphcm-xuat-hien-4-ca-benh-soi-nguy-hiem-lo-ngai-dich-bung-phat-a86453.html