Ba Lan hôm 5/6 đã chuyển giao một hệ thống tên lửa đất đối không S-200 cho Ukraine, theo thông tin do tạp chí Quốc phòng Ba Lan Defence24 công bố. Quốc gia Đông Âu đã nhận được các hệ thống S-200 từ Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh để tăng cường khả năng phòng không của mình như một phần của Hiệp ước Warsaw.
S-200, NATO gọi là SA-5 Gammon, là hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) tầm xa được thiết kế vào năm 1964 và được đưa vào sử dụng trong lực lượng Liên Xô vào năm 1967. Nó được thiết kế như một hệ thống di động, có khả năng bảo vệ các mục tiêu chiến lược khỏi máy bay Mỹ/NATO.
Các hệ thống tên lửa phòng không S-200 là một phần của Lực lượng Phòng không Ba Lan và được bố trí ở vị trí chiến lược để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và các thành phố trọng điểm khỏi các mối đe dọa tiềm ẩn trên không.
Theo bản đánh giá Military Balance năm 2023 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), các lực lượng vũ trang Ba Lan luôn được trang bị một tổ đội S-200 Vega.
Trong những năm qua, Ba Lan đã thực hiện nhiều chương trình hiện đại hóa khác nhau để duy trì hoạt động của các hệ thống S-200 và cải thiện khả năng của chúng. Điều này bao gồm việc nâng cấp hệ thống radar và dẫn đường tên lửa.
Theo các báo cáo gần đây, hệ thống S-200 đã ngừng hoạt động ở Ba Lan. Nước này hiện dựa vào các hệ thống phòng không hiện đại, chẳng hạn như hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, mang lại khả năng nâng cao và khả năng tương tác với các lực lượng NATO.
S-200 cũng đã bị cho “nghỉ hưu” ở Ukraine các đây hơn một thập kỷ, nhưng tin tức về việc nước này tái sử dụng S-200 bắt đầu xuất hiện từ mùa hè năm ngoái, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine. Theo đó, các lực lượng vũ trang Ukraine đã khéo léo điều chỉnh hệ thống tên lửa S-200 từ thời Liên Xô để tăng cường khả năng của chúng.
Ban đầu được thiết kế như một hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa, S-200 đã được Ukraine cải tiến để phục vụ vai trò tấn công mặt đất. Điều này liên quan đến việc thiết kế lại hệ thống dẫn đường và đầu đạn cũng như phát triển bệ phóng di động trên mặt đất, cho phép tên lửa tấn công các mục tiêu trên bộ một cách hiệu quả.
Việc điều chỉnh hệ thống tên lửa phòng không S-200 để tăng cường hiệu quả hoạt động phòng thủ và tấn công của chúng, cho thấy sự khéo léo về chiến lược và chiến thuật của người Ukraine trong việc tận dụng các khí tài quân sự hiện có.
Khả năng chiến đấu chính của S-200 bao gồm tấn công các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 300 km (186 dặm) và độ cao từ 300 m đến 40.000 m.
Các tính năng chính của S-200 bao gồm tên lửa lớn và mạnh, đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao nặng khoảng 217 kg (478 pound) và động cơ tên lửa nhiên liệu rắn 2 tầng. Hệ thống này thường được triển khai tại các địa điểm cố định, bao gồm các hệ thống tên lửa phóng loạt và các đơn vị chỉ huy và radar liên quan.
Phạm vi chiến đấu và khả năng hoạt động ở độ cao lớn của S-200 khiến nó phù hợp để nhắm mục tiêu vào các tài sản chiến lược như máy bay ném bom tầm cao, máy bay giám sát và các mục tiêu trên không có giá trị cao khác.
Hệ thống S-200 đang sử dụng kết hợp giữa radar dẫn đường bán chủ động và dẫn đường chỉ huy vô tuyến, và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, những tên lửa này cồng kềnh và không chính xác lắm, đó là lý do tại sao chúng được thay thế bằng S-300 và sau này là hệ thống S-400.
Minh Đức (Theo Army Recognition, Technology.Org, Kyiv Independent)
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/cai-tien-mang-lai-vai-tro-moi-cho-he-thong-ten-lua-s-200-thoi-lien-xo-a86298.html