Lấy mảnh xương dài 2,5cm mắc trong phế quản bệnh nhân suốt 3 năm

Ngày 7/6 TS.BS Lê Nhật Huy, Trưởng khoa Dị ứng - Hô hấp, Bệnh viện đa khoa hữu Nghị Nghệ An cho biết, mới lấy thành công ca mắc dị vật xương khó cho người bệnh.

Bệnh nhân N.V.Đ, 67 tuổi, vào viện với lý do ho nhiều, mệt mỏi. Qua khai thác bệnh nhân cho biết cách đây 3 năm về trước trong quá trình ăn uống có hóc xương không rõ ràng, sau đó bệnh nhân có những đợt ho kéo dài.

Bệnh nhân có đi khám và điều trị tại một số cơ sở y tế có kê đơn thuốc nhưng không đỡ. Cách nhập viện 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện ho đờm nhiều, sau đó đến khám tại phòng khám Hô Hấp – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và chuyển đến khoa Dị ứng – Hô hấp điều trị.

Tại khoa Dị ứng - Hô hấp, sau thăm khám lâm sàng, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp khó dị vật lớn ở phế quản phải kèm theo viêm phổi. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh chống viêm tích cực và chỉ định nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật.

TS.BS. Lê Nhật Huy cùng ê-kíp đã tiến hành nội soi phế quản ống mềm thấy có dị vật nghi xương nhiều góc cạnh sắc nhọn cố định chặt vào lòng phế quản phổi phải (ngay dưới ngã ba khí quản) xung quanh phù nề xung huyết nhiều dễ chảy máu. Sau quá trình nội soi ê-kíp đã lấy thành công dị vật là xương kích thước khoảng 1,5x 2,5cm .

Bệnh nhân tiếp tục được nội soi lại để kiểm tra, cầm máu tại chỗ. Sau khi theo dõi, tình trạng ổn định, bệnh nhân được đưa về buồng bệnh và tiếp tục điều trị kháng sinh. 3 ngày sau bệnh nhân ổn định, được ra viện.

Theo các bác sĩ, dị vật đường tiêu hóa trong lúc ăn uống thường là hóc xương cá hoặc các loại dị vật khác như tăm, tre, vỏ bao viên thuốc… và nhiều nhất là xương cá.

Dị vật thường mắc tại thực quản nên rất nguy hiểm, cần được cấp cứu xử lý sớm nếu không sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề như loét, chảy máu, tạo ổ áp xe, nặng hơn là thủng trung thất hoặc dị vật đâm vào đoạn thực quản làm thủng động mạch…

Bác sĩ khuyến cáo khi có những dấu hiệu của hóc xương cá như nuốt đau, nuốt vướng, người bệnh cần đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được phát hiện, xử trí kịp thời.

Dị vật sau khi nuốt vào có thể mắc kẹt tại bất kỳ vị trí nào và gây những tổn thương khác nhau cho đường tiêu hóa từ thực quản đến hậu môn. Chính vì vậy người dân cần cẩn trọng khi ăn cá, lựa xương cẩn thận khi ăn, hạn chế sử dụng tăm xỉa răng, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Nếu có nghi ngờ hoặc phát hiện nuốt dị vật thì nên đến bệnh viện sớm để có cơ hội cao lấy dị vật bằng nội soi dạ dày. Trường hợp có các biểu hiện bất thường, đau tức ngực, đau bụng, sốt hoặc có các biểu hiện khác cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế để kiểm tra phát hiện kịp thời, hạn chế để lâu sẽ dẫn đến những diễn tiến nặng nề như viêm phúc mạc, áp xe ổ bụng, nhiễm trùng…

Chú ý người bệnh tuyệt đối không được dùng tay đưa vào cổ họng, bởi thao tác này sẽ đẩy xương xuống cổ họng sâu hơn. Hay nhiều người thường cố nuốt để giúp xương trôi xuống, nhưng việc này vô tình khiến cho xương càng đâm sâu và gây tổn thương, cố gắng nôn ra càng sớm càng tốt.

Duy Huy (t/h)

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/lay-manh-xuong-dai-25cm-mac-trong-phe-quan-benh-nhan-suot-3-nam-a86240.html