Quyền lực thực sự đứng sau SCB
Đáng chú ý, trong số 34 bị can bị khởi tố trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB.
Tại cơ quan điều tra, Văn cho biết bản thân vào làm việc tại SCB từ tháng 7/2013 với chức vụ Phó Tổng Giám đốc. Tháng 12/2013, được Trương Mỹ Lan đưa lên làm Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB cho đến tháng 7/2020 thì nghỉ việc.
Mặc dù, bà Lan không có chức vụ trong SCB, nhưng qua quá trình làm việc, Văn thấy HĐQT Ngân hàng SCB chịu sự chi phối, điều hành của bà Lan. Người phụ nữ này nắm trên 90% cổ phần, thông qua việc Lan và một số người nhà, người thân tín sở hữu trực tiếp cổ phần SCB.
Bởi vậy, bà Lan là người quyết định danh sách thành viên HĐQT Ngân hàng SCB được bầu tại Đại hội đồng cổ đông từng nhiệm kỳ, thông qua việc bỏ phiếu bầu.
Quá trình hoạt động của SCB, Trương Mỹ Lan không trực tiếp tham gia họp với HĐQT mà thông qua Chủ tịch HĐQT Đinh Văn Thành (nhiệm kỳ 2017 – 2022) để chỉ đạo HĐQT; tại các cuộc họp, khi Chủ tịch HĐQT thông báo chủ trương của bà Lan thì các thành viên sẽ nhất trí và thực hiện.
Ngoài ra, bà Lan còn thông qua Nguyễn Phương Hồng - thành viên HĐQT, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB để giải quyết những vấn đề thu chỉ, dòng tiền liên quan đến các Công ty thuộc Tập đoàn.
Dùng 239 điểm giao dịch của SCB để bán trái phiếu
Trở lại nội dung liên quan đến chỉ đạo phát hành trái phiếu để “cứu vãn” khó khăn cho SCB, ông Văn xác nhận vào khoảng tháng 8/2018, bà Lan mời ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Hồ Bửu Phương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn; Đinh Văn Thành - thành viên HĐQT, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB và Nguyễn Phương Hồng đến dùng cơm trưa tại trụ sở Vạn Thịnh Phát.
Tại đây, bà Lan đưa ra chủ trương về việc phát hành trái phiếu để huy động vốn. Lúc đó, Văn có ý kiến: “SCB chưa tham gia phát hành trái phiếu lần nào nên cần lấy ý kiến chuyên môn của Công ty Chứng khoán TVSI”.
Sau bữa cơm, Văn, Phương, Hồng đã họp với Nguyễn Tiến Thành - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI để thảo luận phương án phát hành trái phiếu. Trong đó, Thành đã đưa ra các tiêu chí, điều kiện để pháp nhân phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Sau khi rà soát, nhóm người đã thống nhất Công ty An Đông đủ điều kiện để phát hành. Còn việc chạy dòng tiền “khống” để tạo lập trái phiếu thì bà Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB kiêm Giám đốc chi nhánh SCB chi nhánh Sài Gòn) làm đầu mối phối hợp với Vạn Thịnh Phát để thực hiện.
Trong buổi họp tiếp theo, Hồ Bửu Phương, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Tiến Thành mời thêm đại diện, nhân viên khối ngân hàng bán lẻ SCB, đại diện Công ty An Đông và một số chuyên viên của TVSI bàn về phương án triển khai tiếp thị chào bán sản phẩm trái phiếu Công ty An Đông.
Thời điểm này, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lựa chọn Công ty An Đông là tổ chức phát hành do đủ điều kiện; các Công ty của VạnThịnh Phát có đủ điều kiện để mua lại sơ cấp trái phiếu Công ty An Đông (kỳ hạn 5 năm) để cấu trúc thành sản phẩm trái phiếu thứ cấp có kỳ hạn linh hoạt để giới thiệu, bán cho khách hàng SCB.
Mục đích của cuộc họp này chủ yếu là để cho đại diện các bên Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, Công ty An Đông – Tổ chức phát hành gặp mặt để biết các đầu mối tương tác khi thực hiện công việc cũng như bàn về việc tiếp thị, chào bán trái phiếu trên qua hệ thống chi nhánh của Ngân hàng SCB (lúc này sản phẩm trái phiếu đã được tạo lập).
Cuộc họp đã thống nhất Công ty Chứng khoán TVSI sẽ là đơn vị lưu ký trái phiếu và chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống chương trình để theo dõi việc bán trái phiếu thứ cấp cho khách hàng; Võ Tấn Hoàng Văn và Khối Ngân hàng bán lẻ SCB chịu trách nhiệm triển khai tổ chức bán hàng, tổ chức đào tạo sản phẩm mới cho Giám đốc các chi nhánh và Phòng giao dịch của SCB.
Sau đó, các Giám đốc này sẽ tổ chức đào tạo cho lực lượng bán hàng tại các Chi nhánh và Phòng Giao dịch của Ngân hàng SCB. Quá trình thực hiện, Công ty An Đông và Công ty Chứng khoán TVSI đã phát hành 3 gói trái phiếu: ADC-2018.09, ADC-2018.09.1 và ADC-2019.01.
Tiếp đó, SCB tiếp nhận thông tin sản phẩm và thực hiện vai trò đào tạo, hướng dẫn cho các 239 điểm kinh doanh trên cả nước giới thiệu, phân phối cho khách hàng ký kết các hợp đồng đặt mua trái phiếu.
Văn khai nhận, đối với các gói trái phiếu của các công ty khác thuộc Tập đoàn, ông không được triệu tập họp như phát hành gói An Đông, do đó bị can Văn thừa nhận hành vi sai phạm của mình trong việc thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Trương Mỹ Lan để phát hành trái phiếu này.
Với 308 triệu trái phiếu phát hành, các đối tượng đã lừa bán cho các nhà đầu tư và thu về 30.869 tỷ đồng. "Số tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không sử dụng đúng mục đích là đầu tư vào các Dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ mà bị các đối tượng rút tiền và sử dụng toàn bộ số tiền huy động được cho các mục đích khác, dẫn đến không có đủ nguồn tiền để chi trả gốc và lãi cho các trái chủ", kết luận nêu.
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/bua-com-trua-va-ke-hoach-dung-239-co-so-cua-scb-ban-trai-phieu-khong-a86219.html