Hé lộ kế hoạch thay thế xe chiến đấu bộ binh lớn nhất châu Âu

Mục tiêu cụ thể của chương trình là sản xuất 1.050 xe bọc thép bánh xích mới để thay thế toàn bộ hạm đội xe chiến đấu bộ binh (IFV) Dardo của Italy.

Italy vừa công bố ý định thay thế hạm đội xe chiến đấu bộ binh (IFV) Dardo của mình bằng một loại xe bọc thép bánh xích mới trong một chương trình ước tính trị giá 5 tỷ Euro, trang Army Recognition đưa tin hôm 5/6.

Theo đó, các công ty quốc phòng của Italy, bao gồm Leonardo và Iveco Defense Vehicles, được giao nhiệm vụ tìm kiếm các đối tác châu Âu có thể cung cấp chuyên môn và nền tảng để đẩy nhanh chương trình mà không cần phải bắt đầu lại từ đầu.

Theo tạp chí Defense News của Mỹ, kế hoạch sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay. Mục tiêu cụ thể của chương trình này, được gọi là A2CS, là sản xuất 1.050 xe bọc thép bánh xích để thay thế hạm đội Dardo, vốn được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1990, thay thế những chiếc M113 cũ hơn có nguồn gốc từ Mỹ.

A2CS là chương trình thay thế phương tiện quân sự trên bộ lớn nhất hiện đang được tiến hành ở châu Âu. Với sự tham gia của các công ty từ các nước châu Âu khác, chương trình có thể giúp củng cố lĩnh vực quốc phòng của “lục địa già”, Defense News lưu ý.

Các ứng cử viên tiềm năng tham gia bao gồm liên doanh KNDS (được thành lập thông qua việc sáp nhập KMW của Đức và Nexter của Pháp) với xe chiến đấu bộ binh Boxer làm cơ sở cho thiết kế mới; Tập đoàn Rheinmetall của Đức, nhà sản xuất xe chiến đấu bộ binh “Linh miêu” Lynx; và công ty con ở Thụy Điển của BAE Systems, BAE Systems Hägglunds, nhà sản xuất xe chiến đấu bộ binh CV90.

Dự kiến, dàn xe mới của Italy sẽ được giao từ năm 2029 đến năm 2041, với khoảng 20 nguyên mẫu nền tảng sẽ được sản xuất từ năm 2027 đến năm 2028, từ đó sẽ có được 16 cấu hình khác nhau.

Công nghệ - Hé lộ kế hoạch thay thế xe chiến đấu bộ binh lớn nhất châu Âu
Công nghệ - Hé lộ kế hoạch thay thế xe chiến đấu bộ binh lớn nhất châu Âu (Hình 2).

Xe chiến đấu bộ binh (IFV) Dardo của Quân đội Italy có thiết kế được lấy cảm hứng từ những chiếc IFV hiện đại như Bradley và Marder. Ảnh: Tank AFV

Dardo là phương tiện chiến đấu bộ binh (IFV) chính của các lực lượng vũ trang Italy. Được thiết kế và sản xuất bởi liên doanh Iveco Fiat Oto Melara, nó được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1990 để thay thế các xe M113 cũ của Mỹ trong Quân đội Italy.

Với trọng lượng 23 tấn, Dardo được bọc hợp kim nhôm, và thép được hàn và bắt vít vào thân xe và tháp pháo, tăng cường khả năng bảo vệ cho tổ lái và binh lính. Vũ khí của Dardo đặc biệt đáng gờm, bao gồm pháo Oerlikon Contraves 25 mm, súng máy 7,62 mm, 2 bệ phóng tên lửa chống tăng TOW và 8 súng phóng lựu 40 mm.

Các loại vũ khí này khiến Dardo trở thành một phương tiện linh hoạt, có khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu trên mặt đất và trên không. Ngoài ra, trên xe còn có 5 cổng súng trường, với 2 cổng ở mỗi bên thân xe và một cổng ở phía sau, cho phép người ngồi bên trong xe sử dụng vũ khí cá nhân trong trường hợp cần thiết.

Dardo có khả năng di chuyển ấn tượng, với tốc độ tối đa 70 km/h và phạm vi hoạt động 500 km, đặc biệt nhờ vào lốp bơm căng ở giữa. Khả năng cơ động này, kết hợp với khả năng bảo vệ và vũ khí trang bị, khiến Dardo trở thành tài sản quý giá của bộ binh Italy trong các hoạt động chiến đấu.

Kể từ khi được đưa vào sử dụng, Dardo đã không ngừng được hiện đại hóa và cải tiến để đáp ứng nhu cầu của chiến trường hiện đại. Ngày nay, nó cũng là xe chở bộ binh (ICV) chủ lực của Quân đội Italy và đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia và gìn giữ hòa bình ở nước ngoài.

Dù lợi hại thế nào, phương tiện này cũng đã có từ thế kỷ trước và đang đạt đến một giới hạn nhất định trong quá trình hiện đại hóa. Dardo đã bắt đầu lỗi thời, nên việc Italy thay thế nó là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, số lượng xe mới để thay thế hạm đội này là một con số rất ấn tượng, và hợp đồng này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý và “thèm muốn” của các bên trong ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Ngoài chương trình A2CS, Italy cũng đang triển khai chương trình mua sắm và sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard từ nhà sản xuất KNDS của Đức. Italy cũng đã ký một thỏa thuận với nhà sản xuất này về khả năng hợp tác trong tương lai trong kế hoạch phát triển xe tăng thế hệ mới chung giữa Pháp và Đức, gọi là Hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực (MGCS).

Minh Đức (Theo Army Recognition, Military Leak)

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/he-lo-ke-hoach-thay-the-xe-chien-dau-bo-binh-lon-nhat-chau-au-a86190.html