Trường hợp không được bồi thường bảo hiểm nhân thọ, ai cũng nên biết

Nhiều người, nhất là những người tham gia mua bảo hiểm nhân thọ thắc mắc “theo quy định hiện hành những trường hợp nào không được bồi thường bảo hiểm nhân thọ?”.

Về vấn đề này, Điều 40 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023 quy định về các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm như sau:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp sau đây:

a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm khôi phục hiệu lực;

b) Người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

d) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình;

đ) Trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Trường hợp có nhiều người thụ hưởng, nếu một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vẫn phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

3. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Như vậy, các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm được thực hiện theo các quy định được trích dẫn ở trên.

Quyền lợi có thể được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là gì?

Theo Điều 34, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định quyền lợi có thể được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như sau:

- Bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với những người sau đây:

+ Bản thân bên mua bảo hiểm;

+ Vợ, chồng, cha, mẹ, con của bên mua bảo hiểm;

+ Anh ruột, chị ruột, em ruột hoặc người khác có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng với bên mua bảo hiểm;

+ Người có quyền lợi về tài chính hoặc quan hệ lao động với bên mua bảo hiểm;

+ Người được bảo hiểm đồng ý bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm sức khỏe cho mình.

- Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/truong-hop-khong-duoc-boi-thuong-bao-hiem-nhan-tho-ai-cung-nen-biet-a85905.html