Gia tăng giá trị cho cây chè trong phát triển du lịch Lạng Sơn

Với tiềm năng, lợi thế về cây chè, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực gắn kết phát triển cây chè và du lịch, tạo ra nhiều trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn nằm ẩn mình trong những đường quanh co, uốn lượn của dãy núi Bắc Sơn, nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu thuận lợi, bao quanh là đồi núi khe suối rất thích hợp để phát triển cây chè.

Từ những tán chè xanh trải dài trên những triền dốc, đến những cánh đồng chè bát ngát phủ kín các sườn đồi, cây chè đã trở thành biểu tượng của vùng quê Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đồng thời cũng là nguồn thu nhập chính giúp người dân nơi đây thoát nghèo và cải thiện đời sống.

Tại đồi chè của Nông trường Thái Bình, bà Trần Thị Kim Cúc công nhân của Công ty Cổ phần chè Thái Bình chia sẻ về công việc chăm sóc cây chè, hái chè đặc sản Ô long.

"Hiện tại tôi đang quản lý Trà Ô long Thanh Tâm của Công ty Cổ phần chè Thái Bình, với diện tích là 3,4 ha việc chăm sóc cũng khá phức tạp và vất vả. Trà này đòi hỏi rất kỹ về khâu chăm sóc, thứ nhất là nước chúng tôi phải tưới liên tục bởi giống chè này chịu hạn rất kém; thứ hai về phân bón, phải dùng phân hữu cơ không dùng phân hóa học; thứ ba là thuốc bảo vệ thực vật", bà Cúc nói.

Bà Cúc trao đổi thêm, hàng ngày các các công nhân tại đây sẽ phải thường xuyên theo dõi sâu bệnh và phát triển của cây chè, sau đó hái những búp chè tươi đem về nhà máy để sấy, với công nghệ hiện đại sẽ ra được sản phẩm trà đặc biệt thơm ngon. 

Văn hoá - Gia tăng giá trị cho cây chè trong phát triển du lịch Lạng Sơn Bà Trần Thị Kim Cúc - công nhân Công ty Cổ phần chè Thái Bình

Đến nay, huyện Đình Lập đã phát triển vùng sản xuất chè với diện tích khoảng 200 ha, tập trung tại thị trấn Nông trường Thái Bình, xã Lâm Ca và xã Thái Bình. Cùng với việc hình thành vùng, bà con tại đây đã đẩy mạnh cơ giới hoá, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng, chăm sóc nên sản lượng chè luôn đạt cao. Năm 2023, sản lượng búp chè tươi của huyện Đình Lập đạt 1.550 tấn, tăng gần 130 tấn so với năm 2022.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của cây chè, từ năm 2022, ngành du lịch Lạng Sơn và chính quyền huyện Đình Lập đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích người dân khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cây chè. Kết quả là những điểm dừng chân du lịch như vườn chè, nhà máy chế biến chè, làng nghề truyền thống... đang dần hình thành, thu hút đông đảo du khách tìm về khám phá vẻ đẹp của vùng quê Đình Lập.

Văn hoá - Gia tăng giá trị cho cây chè trong phát triển du lịch Lạng Sơn (Hình 2). Gắn cây chè trong phát triển du lịch tại huyện Đình Lập

Theo đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đình Lập, đơn vị đã tham mưu UBND huyện trong năm 2024 sẽ quyết tâm xây dựng một điểm du lịch được tỉnh công nhận.

"Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa đặc sắc gắn liền với cây chè, chúng tôi đang từng bước xây dựng Đình Lập trở thành điểm đến du lịch sinh thái, nơi du khách có thể vừa thưởng thức các sản phẩm chè thơm ngon, vừa được trải nghiệm cuộc sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên của người nông dân", bà Hoàng Thị Kim Hoạt - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đình Lập cho biết.  

Văn hoá - Gia tăng giá trị cho cây chè trong phát triển du lịch Lạng Sơn (Hình 3). Bà Hoàng Thị Kim Hoạt - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đình Lập

Để hiện thực hóa mục tiêu này, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, ngoài hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật canh tác, chính quyền còn tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, xây dựng các tuyến đường, điểm dừng chân để du khách dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được đẩy mạnh, đặc biệt huyện cũng đang có kế hoạch mở rộng thêm diện tích vùng nguyên liệu chè chất lượng cao.

Là một trong những hộ gia đình đã gắn bó lâu năm với cây chè, ông Hoàng Văn Trìu (thôn Hòa An, xã Thái Bình, huyện Đình Lập) rất vui mừng khi thấy huyện Đình Lập đang có những động thái mạnh mẽ để phát triển du lịch xanh, du lịch nông thôn dựa trên tiềm năng của cây chè.

"Hiện huyện Đình Lập đang có chương trình xây dựng các sản phẩm chè xanh, sạch, đẹp nên gia đình tôi cũng rất phấn khởi, chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc đồi chè để làm sao đảm bảo, an toàn, tạo mọi điều kiện cho du khách đến tham quan, trải nghiệm hái chè", ông Trìu nhấn mạnh.

Văn hoá - Gia tăng giá trị cho cây chè trong phát triển du lịch Lạng Sơn (Hình 4). Ông Hoàng Văn Trìu - hộ gia đình trồng chè tại thôn Hòa An, xã Thái Bình, huyện Đình Lập

Mô hình du lịch nông nghiệp là xu hướng phát triển chung của các vùng trồng chè khác trên cả nước. Điều này là cơ hội để đồi chè tại huyện Đình Lập phát huy lợi thế về cảnh quan của mình song cũng là thách thức lớn đối với mảnh đất du lịch non trẻ này. 

Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức chương trình khảo sát, đánh giá các điểm đến tại huyện Đình Lập. Đại diện các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã tham gia và có những góp ý cho các doanh nghiệp du lịch của địa phương.

Ông Lương Duy Doanh - Giám đốc Công ty Du lịch Five Star cho rằng, Đình Lập có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch gắn với cây chè, nếu mô hình này được triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho Đình Lập.

"Khi đến đồi chè Hòa An, xã Thái Bình ngay lập tức tôi phải lên đỉnh cao nhất để quan sát tổng thể xung quanh. Sau lưng nương chè là một rừng thông, rừng bạch đàn, keo tai tượng toàn bộ đều bao phủ bởi màu xanh tốt đẹp, một màu xanh hy vọng.

Bản thân là một công ty du lịch, tôi nghĩ rằng đây có thể là một sản phẩm mà chúng tôi sẽ đưa vào khi du khách du xuân lễ hội đầu năm tại những địa danh nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn như Đền Kỳ Cùng, Đền Mẫu... để làm sao kéo dài thời gian lưu trú khách", ông Doanh chia sẻ.

Việc khai thác nguồn tài nguyên có sẵn cùng với sự đầu tư và tư duy mới về làm du lịch nông nghiệp, chính quyền và người dân huyện Đình Lập đang nỗ lực mỗi ngày để quảng bá, giới thiệu đến với đông đảo người dân và du khách. Qua đó, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cũng như tạo sinh kế, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/gia-tang-gia-tri-cho-cay-che-trong-phat-trien-du-lich-lang-son-a85827.html