Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, Phú Thọ vừa cấp cứu cho 2 trường hợp say nắng, say nóng.
Ca bệnh đầu tiên là anh H.M.P, 33 tuổi, quê ở Hà Giang đang làm việc tại nhà máy gạch trên địa bàn huyện Cẩm Khê.
Đến khoảng 13h chiều 29/5, do môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao, cộng hưởng với mức nhiệt cao ngoài trời, anh P. cảm thấy nóng bức, vã mồ hôi, khát nước, nôn nhiều lần, đến tối xuất hiện thêm triệu chứng co rút tay chân, nóng bừng toàn thân nên nhập viện cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì say nắng, say nóng.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân có mạch nhanh (97 lần/phút), huyết áp tụt 80/50mmHg. Được chẩn đoán sốc giảm thể tích, sau 01 giờ bù nước và điện giải, mạch huyết áp trở về mức ổn định. Chiều cùng ngày, cảm thấy trong người khỏe mạnh nên cam kết xin ra viện.
Ca bệnh thứ hai là là bệnh nhân N.T.T, 57 tuổi, trú tại huyện Cẩm Khê, làm việc thường xuyên ở môi trường ngoài trời. Trong khi đang làm việc, bệnh nhân T cảm thấy nóng bừng toàn thân, mệt mỏi, vã mồ hôi, khó thở, khát nước, nhiệt độ cơ thể 39 độ C. Bệnh nhân T nhập viện chiều ngày 29/5, được chẩn đoán say nóng, chỉ định bù nước và điện giải, hiện sức khỏe ổn định.
Cách xử trí khi gặp người bị say nắng, say nóng
Theo BS CKII Huỳnh Tuấn Vũ, Khoa Y Dược cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, xử trí say nắng, say nóng bao gồm 6 bước:
- Bước 1: Nhanh chóng gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp 115 hoặc y tế địa phương.
- Bước 2: Trong thời gian chờ xe cấp cứu, di chuyển người bị say nắng đến nơi râm mát.
- Bước 3: Cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết.
- Bước 4: Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể.
- Bước 5: Làm mát cơ thể bằng bất cứ cách nào như: xịt mát cơ thể bằng nước, dùng quạt phun sương; đặt túi nước đá hoặc khăn mát lên vùng cổ, nách và bẹn; cho người say nắng uống nước mát để bù nước (nếu có thể)…
- Bước 6: Đánh giá mức độ tỉnh táo người say nắng (lay gọi, tiếp xúc…).
Nếu nạn nhân tỉnh táo thì cho nạn nhân uống bổ sung nước, chất điện giải…
Nếu nạn nhân chưa tỉnh táo tiếp tục làm mát cơ thể trong khi chờ xe cấp cứu.
Nếu nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hoặc cử động) thì thực hiện hô hấp nhân tạo.
Biểu hiện khi bị say nắng
- Sốt từ 40 độ C trở lên.
- Thay đổi về trạng thái tinh thần hoặc hành vi (như lú lẫn, kích động, nói lắp).
- Chóng mặt và choáng váng.
- Da khô, nóng hoặc tăng tiết mồ hôi.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Da ửng đỏ.
- Mạch đập nhanh.
- Yếu cơ hoặc chuột rút.
- Thở nhanh.
- Đau đầu.
- Vô thức.
- Co giật.
Diệu Thu
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/2-nguoi-nhap-vien-cap-cuu-vi-lam-viec-duoi-troi-nang-nong-a85730.html