Giá sách giáo khoa giảm trung bình khoảng 15%
Sáng 1/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.
Phiên họp cũng thống nhất đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực tháng 5 đạt kết quả cao hơn tháng 4 và tính chung 5 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có 10 kết quả nổi bật như:
Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tăng trưởng được thúc đẩy; kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn;
Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính-ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện; đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Cùng với đó, lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Khách quốc tế tháng 5 đạt gần 1,4 triệu lượt; tính chung 5 tháng đạt 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ 2019 trước khi có đại dịch Covid-19; phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện.
Trong tháng 5 có 94,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; hỗ trợ gần 18.500 tấn gạo; tổ chức ý nghĩa lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ngày Quốc tế lao động, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giá sách giáo khoa giảm trung bình khoảng 15%.
Nói thêm về ý nghĩa việc giảm giá SGK trung bình 15% trong giữ ổn định chỉ số CPI, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, tinh thần làm việc của Bộ trưởng và các đồng chí Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi, theo Thủ tướng trước đây cứ vào năm học chỉ số giá lại tăng, trong đó phần của giáo dục rất lớn. Bây giờ sau khi cấu trúc lại việc sản xuất, SGK đã giảm giá và góp phần giảm áp lực lạm phát, nhất là vào quý III, cuối quý II.
Cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng
Phát biểu kết luận, về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tiếp tục chuẩn bị tốt phục vụ phiên giải trình và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về 5 Nghị quyết trình Quốc hội; phối hợp chặt chẽ trong giải trình, hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các Bộ trưởng chuẩn bị tích cực, kỹ lưỡng để trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Về chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
"Chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt, đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4%", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước. Sớm có phương án huy động thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến lược.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thực hiện ngay các giải pháp cụ thể đẩy mạnh giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Tiếp tục quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định.
Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Về đầu tư, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc.
Về xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới (Trung Đông, thị trường Halal, Nam Mỹ, châu Phi); hỗ trợ doanh nghiệp chiẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh…
Về tiêu dùng, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, khuyến mại, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ, phân bổ sớm 29.100n tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại.
Báo cáo Quốc hội cho phép chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn từ nơi chưa phân bổ, chậm giải ngân sang nơi giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Tiếp đó, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…
Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy Đề án 06, xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai các quy hoạch đã ban hành, đặc biệt là quy hoạch điện VIII, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tập trung hoàn thành phê duyệt các quy hoạch còn lại (Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương...)
Nhấn mạnh thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực, Thủ tướng cho biết sẽ sớm thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý (do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, các thành viên Chính phu là thành viên).
Cùng với đó, đề xuất báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 ban hành 1 luật sửa nhiều luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực. Các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục chủ trì rà soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý theo lĩnh vực quản lý.
Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu:
Về công nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ; bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống; khẩn trương trình ban hành 3 nghị định về: cơ chế mua bán điện trực tiếp, về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.
Về nông nghiệp, tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; sớm gỡ "thẻ vàng" (IUU); điều tiết, bảo đảm đủ nước cho nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của người dân; tổ chức thực hiện hiệu quả phòng, chống cháy rừng với phương châm "4 tại chỗ".
Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, tăng cường quản lý giá, chất lượng dịch vụ, nhất là mùa du lịch hè sắp tới.
Tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, như Nhà máy bột giấy Phương Nam, Công ty tàu thủy Dung Quất, Nhà máy thép Việt-Trung, Nhà máy thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án Bệnh viện Bạch Mai và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.
Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Chuẩn bị cải cách tiền lương theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội theo nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định; đề xuất phương án phù hợp nhất thực hiện từ ngày 1/7/2024 về các vấn đề liên quan thang bảng lương, lương cơ sở và chính sách đặc thù.
Làm tốt công tác khám chữa bệnh, bảo đảm thuốc; phòng chống đuối nước, nhất là ở trẻ em; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024. Khẩn trương hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trình Quốc hội.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; phòng chống tham nhũng, tiêu cực....
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/giam-gia-sgk-gop-phan-tich-cuc-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-thang-dau-nam-a85719.html