Cấp cứu bé 4 tuổi nuốt phải cúc áo

Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) vừa gắp thành công chiếc cúc áo có mấu trong thực quản bằng phương pháp nội soi tiêu hóa cho cháu bé 4 tuổi (trú tại xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy).

Trước vào viện 1 giờ, cháu bé ở nhà tự nuốt cúc áo, kích thước khoảng 2cm, có mấu. Sau khi nuốt trẻ nôn nhiều lần và thấy vướng mắc ở cổ, được gia đình đưa vào viện.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ nhanh chóng chỉ định các cận lâm sàng cần thiết để kiểm tra và phát hiện có hình ảnh dị vật trong thực quản trẻ. Trẻ được chỉ định lấy dị vật bằng phương pháp nội soi thực quản - dạ dày; chiếc cúc áo được thành công lấy ra khỏi thực quản của trẻ an toàn.

Theo bác sĩ Đinh Văn Hạnh – Bác sĩ nội soi tiêu hóa tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), thời gian gần đây bác sĩ gặp rất nhiều trẻ nuốt phải dị vật như: bấm móng tay, đồ chơi, tăm tre, cúc áo…; gây nguy hiểm cho trẻ nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Do vậy, khuyến cáo cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ nên để những vật nhỏ dễ nuốt tránh xa tầm tay của trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Những vật nuốt phải phổ biến nhất là: đồng xu, viên pin nhỏ, cúc áo, hòn bi, hòn đá, móng tay, đinh vít, kẹp ghim, các cục nam châm nhỏ, các bộ phận của những món đồ chơi như xe, máy bay… (nhất là đồ chơi chạy bằng pin).

Ngoài ra để tránh nguy cơ trẻ hóc dị vật, nuốt dị vật, các phụ huynh cần chú ý những vấn đề sau:
- Cần tìm hiểu, nắm rõ về mức độ nguy hiểm của việc để trẻ nuốt phải dị vật.
- Rèn ngay không cho trẻ thói quen ngậm đồ chơi, đồ vật trong nhà của trẻ.
- Phụ huynh không nên cho trẻ cười đùa trong khi ăn. Việc làm này dễ khiến trẻ bị nghẹn, hóc và khiến cho dị vật (nếu có) xuống sâu hơn, khó xử lý.
- Không cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng, có nhiều xương; nên cho trẻ ăn những thức ăn nhỏ, mềm...
- Khi cho trẻ ăn, phải quan sát cho trẻ nhai kỹ, chậm rãi và theo dõi trẻ liên tục.

Xử lý khi lỡ nuốt dị vật


Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Thu Oanh, Trưởng Đơn vị nội soi, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM): Trong trường hợp nuốt, mắc dị vật, có những dị vật được xem là nguy hiểm, người nuốt phải cần phải đến bệnh viện cấp cứu ngay là:

Dị vật sắc nhọn (xương cá, kim loại, tăm tre, răng giả, viên thuốc còn nguyên vỏ): Nếu không lấy ra những đầu sắc nhọn có thể gây tổn thương, chảy máu, thủng đường tiêu hóa, nhiễm trùng gây nguy hiểm tới tính mạng. Trong nhóm này, lưu ý dị vật đâm xuyên thành thực quản vào cung động mạch chủ và gây tử vong tức thì.

Dị vật gây độc như pin đèn: Trong pin đèn có các loại hóa chất khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt của đường tiêu hóa tạo ra chất gây bỏng niêm mạc và có thể gây thủng.

Bên cạnh đó, có một số dị vật ít nguy hiểm hơn, có thể theo dõi chờ nó ra ngoài theo phân. Đó là những dị vật có hình dạng tròn bờ tù, nhỏ, không gây triệu trứng thì không cần nội soi để gắp ra.
“Thông thường, để thức ăn có thể đi qua hết đường tiêu hóa thì sẽ mất từ 24 đến 72 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, các vấn đề về giới tính, tình trạng sức khỏe, loại thức ăn mà bạn ăn vào cũng làm ảnh hưởng đến thời gian dị vật ra khỏi đường tiêu hóa nhanh hay chậm. Như vậy muốn dị vật ra nhanh hơn, chúng ta có thể ăn các thực phẩm gây nhuận tràng, uống nhiều nước hoặc có thể uống thêm thuốc nhuận tràng”, bác sĩ Oanh giải thích.

Khi phát hiện trẻ nuốt dị vật hay có các biểu hiện bất thường như nôn, nuốt đau, nuốt khó, đau bụng… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Quỳnh Chi (t/h)

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/cap-cuu-be-4-tuoi-nuot-phai-cuc-ao-a85668.html