LTS: Với đặc thù địa hình và trình độ dân trí nên miền Tây xứ Nghệ vẫn còn rất nhiều gia đình khó khăn. Vì vậy, để giảm nghèo bền vững, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Bài 3: Đưa lao động miền núi đi làm việc ở nước ngoài nhằm xóa đói giảm nghèo
Cuộc sống thay đổi nhờ “xuất ngoại”
Nhiều năm trước, gia đình ông Lữ Văn Kèo, trú tại bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An phải sống trong căn nhà gỗ tạm bợ, lụp xụp. Cả gia đình có 7 nhân khẩu, lại không có việc làm ổn định, vì vậy cái đói cái nghèo bủa vây quanh năm.
Cách đây 2 năm, bước ngoặt đã đến khi ông Kèo biết thông tin về việc chính quyền hỗ trợ cho các gia đình khó khăn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Vì vậy, ông Kèo đã về bàn với gia đình và quyết định vay vốn cho con trai đầu đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.
Hàng tháng người con của ông gửi về cho gia đình đều đặn hơn 10 triệu đồng. Đến nay, con trai đã gửi về cho gia đình hơn 200 triệu đồng. Nhờ số tiền này mà ông Kèo đã dựng được ngôi nhà sàn kiên cố và tích góp được vốn làm ăn. Đối với địa bàn miền núi khó khăn như huyện Kỳ Sơn thì đây là một số tiền rất lớn.
“Ngày trước nhà tôi nghèo lắm, nhưng từ khi con trai đi xuất khẩu lao động gửi tiền về gia đình đã làm được nhà sàn để ở rồi. Giờ không còn nghèo khó như trước nữa”, ông Kèo chia sẻ.
Dân cư tại bản Bình Sơn 2 chủ yếu là đồng bào người Khơ Mú. Do điều kiện địa hình nhiều đồi núi cao, giao thông chia cắt, thiếu tư liệu sản xuất nên đời sống, kinh tế người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ những người đi trước, nhiều thanh niên trong bản cũng học tập theo. Số lượng người đi xuất khẩu lao động ngày một tăng, chủ yếu ở: Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc... Nhờ có công việc ổn định, mức lương cao, nhiều hộ tích góp được tiền làm nhà, bản làng cũng trở nên trù phú, giàu có hơn.
Tại xã Chiêu Lưu, theo số liệu thống kê đến nay toàn xã có 139 người dân đang lao động làm việc theo hợp đồng ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Những năm gần đây, nhờ có đồng tiền của người đi xuất khẩu lao động gửi về đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của địa phương.
“Tăng cường vận động, tuyên truyền người dân đi xuất khẩu lao động đó là chính sách ưu tiên hàng đầu của xã. Hiện, Chiêu Lưu vẫn là xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn nên chỉ có đi xuất khẩu lao động ngoài nước mới làm giàu được, mới thoát nghèo bền vững được”, ông Lô Văn Cáng, Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu chia sẻ.
Xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo, trong thời gian qua, huyện Kỳ Sơn đã phối hợp, liên kết với các tập đoàn, các công ty tổ chức các hội chợ giới thiệu việc làm, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ người dân đi xuất khẩu lao động.
Trong năm 2022, huyện vùng cao Kỳ Sơn tổ chức được 8 phiên giao dịch việc làm tại 8 cụm xã. Đầu năm 2023, UBND huyện phối hợp với Trung tâm giới thiệu việt làm tỉnh Nghệ An, tổ chức thành công Hội chợ việc làm đầu xuân Qũy Mão năm 2023, thu hút 50 doanh nghiệp tham gia tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài nước.
Bên cạnh đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền nhằm tạo động lực cho bà con yên tâm, huyện còn có những chính sách khuyến khích bà con vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tổ chức hoạt động xuất khẩu lao động đi các nước hiệu quả hơn.
Với giải pháp đồng bộ và quyết liệt, năm 2022, huyện có 120 người dân đi xuất khẩu lao động, đến năm 2023 đã có 150 người dân đi xuất khẩu lao động, ở các thị trường quen thuộc như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, khó khăn tại địa phương là người dân trình độ dân trí không đồng đều, trình độ tay nghề lao động khá thấp. Tuy nhiên, cũng vì người dân chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, nên xuất khẩu lao động là con đường thoát nghèo nhanh nhất hiện nay.
“Có thể nói, đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động không chỉ giúp cho bản thân người lao động có việc làm, tích góp vốn đầu tư cũng như kinh nghiệm sản xuất. Hơn thế nữa, đây chính là biện pháp thoát nghèo hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Quyên cho biết.
Tích cực hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Trong năm 2023, tỉnh Nghệ An có khoảng 24.000 người đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, chiếm tỷ lệ lớn vẫn là lao động ở các huyện đồng bằng, thành thị.
Lao động ở các huyện miền núi, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số chỉ mới chủ yếu đi làm ăn xa ở các tỉnh, thành, tỷ lệ xuất khẩu lao động còn thấp, mỗi huyện chỉ vài trăm người, như: huyện Con Cuông hơn 300 người, huyện Kỳ Sơn gần 200 người, Quỳ Châu hơn 260 người...
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay, lao động dân tộc thiểu số ở Nghệ An đang nhận được hỗ trợ từ Tiểu dự án 3, thuộc Dự án 4, Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững năm 2023 và Tiểu dự án 3, thuộc Dự án 5 CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Người lao động được tiếp cận với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng. Mỗi lao động đi xuất khẩu được hỗ trợ theo nhiều mức, trong đó mức cao nhất đến 15 triệu đồng/người.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, những thanh niên tại các bản làng nghèo ở huyện vùng cao sau đi xuất khẩu lao động khi trở về không chỉ có cuộc sống tốt hơn, mà còn tiếp thu thêm nhiều kỹ năng, kiến thức.
“Cái được lớn nhất ở đây chính là họ đã thay đổi được tư duy cũ, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mạnh dạn vươn xa trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự phát triển của quê hương”, ông Sơn cho biết.
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/phat-huy-noi-luc-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-de-giam-ngheo-ben-vung-ky-cuoi-a85358.html