Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững (2)

Từng bước đa dạng hóa các mô hình có sẵn, phát triển kinh tế tăng trưởng xanh,... đang được huyện miền núi Kỳ Sơn xác định làm hướng đi trong thời gian tới.

LTS: Với đặc thù địa hình và trình độ dân trí nên miền Tây xứ Nghệ vẫn còn rất nhiều gia đình khó khăn. Vì vậy, để giảm nghèo bền vững, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Bài 2: Vận dụng thế mạnh chăn nuôi, phát triển kinh tế hướng tăng trưởng xanh

Khơi dậy ý chí thoát nghèo

Cũng giống như nhiều hộ gia đình ở xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, trước đây gia đình ông Lỳ Vả Xênh thuộc diện hộ nghèo của bản Trường Sơn.

Ông Xênh cho biết, nhà đông con, trong khi kinh tế đều phụ thuộc vào nương rẫy. Vì thế mà những tháng giáp hạt, mặc dù vợ chồng đã cố gắng lao động nhưng gia đình luôn bị cái đói đeo đuổi.

Dân sinh - Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững (2)

Sau khi được hỗ trợ giống bò từ Chương trình 135, ông Lỳ Vả Xênh, đã thành lập trang trại trên diện tích đất nương rẫy cũ của gia đình.

Cuộc sống kinh tế của gia đình ông Xênh đã có sự thay đổi kể từ năm 2000. Khi gia đình ông được hỗ trợ giống vật nuôi từ Chương trình 135 của Nhà nước (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Năm đó, gia đình ông Xênh được hỗ trợ 1 bò giống để nuôi.

Được trao “cần câu” đúng thời điểm, gia đình ông Xênh đã chăm sóc rất cẩn thận, không thả rông ngoài rừng theo phong tục, tập quán, mà gia đình ông vào ở hẳn trong khu vực sản xuất cũ để lập gia trại chăn dắt bò. Chính vì vậy con bò giống của gia đình ông phát triển ổn định.

“Giống bò thuộc chương trình 135 cấp năm 2000 bò rất tốt, gia đình tôi được cấp 1 con bò cái giống, nó đẻ được 9 lứa, mà con nào cũng to khỏe, bán được nhiều tiền lắm. Để chăn nuôi được thêm nhiều bò, gia đình tôi vào lập gia trại, mở rộng phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho gia đình”, ông Xênh nói.

Sau nhiều năm lập trại chăn nuôi, giờ đây gia đình ông Xênh là một trong những mô hình nuôi bò sinh sản có quy mô lớn ở vùng đất này. Mỗi lứa nuôi duy trì từ 30 - 35 con bò mẹ, có thu nhập ổn định từ 100 - 150 triệu đồng mỗi năm.

Theo ông Hờ Bá Pó, Chủ tịch hội nông dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn cho biết, so với các mô hình chăn nuôi bò khác trong tỉnh thì mô hình của hội viên nông dân Lỳ Vả Xênh không lớn về quy mô, cũng như lợi nhuận.

Nhưng đây là mô hình rất đặc biệt, bởi ở vùng đất khó như khu vực biên giới Nậm Cắn thì người dám nghĩ, dám làm và truyền được cảm hứng để các nông dân khác thay đổi tư duy, phát triển kinh tế ở địa phương nhờ chăn nuôi gia súc rất cần được lan tỏa. Theo gia đình ông Xênh, hiện nay trên địa bàn xã có gần 200 hộ chăn nuôi đại gia súc, như: trâu, bò, dê và lợn…

“Việc truyền cảm hứng trong chăn nuôi bò của ông Xênh đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con nhân dân trong xã. Trước đây, do quá phụ thuộc vào những thứ sẵn có ở rừng nên cuộc sống của người dân trước đây luôn thiếu đói. Hiện, nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với nỗ lực của bà con, đã khơi dậy và tiếp sức để thoát nghèo vươn lên làm giàu thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế”, ông Hờ Bá Pó nói.

Dân sinh - Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững (2) (Hình 2).

Nhờ tích cực chăm sóc, hàng tuần cho ăn thêm muối và cám ngô đàn bò gia đình ông Xênh phát triển ổn định.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, là giải pháp quan trọng nhất trong mục tiêu giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi Nghệ An. Với phương châm “cho cần câu hơn xâu cá”, hiện nay huyện Kỳ Sơn đang triển khai 17 dự án, 2 chương trình hỗ trợ cho trên 13.000 lượt hộ nghèo.

Đại diện UBND huyện cho biết, với đặc thù địa bàn miền núi cao, địa hình và khí hậu khắc nghiệt, Kỳ Sơn vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, gặp nhiều khó khăn, cản trở trong cuộc sống cũng như phát triển kinh tế.

Vì vậy, chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện là thế mạnh giúp người dân huyện Kỳ Sơn giảm nghèo, vươn lên khấm khá. Trong đó vật nuôi chủ lực là lợn đen, gà đen và trâu, bò. Đây cũng là một “mũi nhọn” phát triển kinh tế của địa phương, góp phần giữ vững mục tiêu “3 yên”: Yên dân - yên địa bàn - yên biên giới.

Với chính sách hỗ trợ phù hợp, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 65% năm 2016 xuống còn 46% năm 2020. Hiện, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 29 - 32%, từng bước sớm thoát khỏi huyện nghèo và phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế thân thiện với môi trường

Không chỉ phát triển các mô hình chăn nuôi, người dân ở các bản vùng cao Kỳ Sơn đang từng bước tiếp cận các cách làm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Trong đó, cây chè Shan tuyết là một trong những cây trồng chủ lực của huyện.

Dân sinh - Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững (2) (Hình 3).

Chè Shan tuyết được xác định  là một trong những cây trồng chủ lực của huyện giúp người dân thoát nghèo.

Chỉ vào vườn chè, ông Dềnh Vả Hùa (SN 1950), trú tại bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ cho biết, nhờ đặc điểm khí hậu quanh năm mát mẻ mà cây chè Shan tuyết ở Kỳ Sơn sinh trưởng tốt, búp to, cho năng suất cao.

“Cách đây hơn 20 năm, đồng bào dân tộc Mông ở huyện Kỳ Sơn có nếp sống du canh du cư. Người dân thường đốt rừng làm rẫy, trồng ngô, trồng lúa nương lấy lương thực. Rừng bị tàn phá, nhưng cảnh nghèo đói vẫn đeo bám đồng bào Mông nơi đây. Đến khi cây chè Shan tuyết được đưa về trồng đã thay đổi tư duy của người dân”, ông Hùa nói.

Dân sinh - Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững (2) (Hình 4).

Chè Shan tuyết thơm ngon, có hương vị thanh mát và hậu vị ngọt ngào, rất thích hợp trồng ở những vùng núi cao như Kỳ Sơn.

Nhờ được trồng ở những nơi có độ cao từ 1.200-1.500m so với mực nước biển, lại có khí hậu mát mẻ nên chè Shan tuyết ở Kỳ Sơn có búp to, được các thương lái đánh giá chất lượng rất cao. Đặc biệt, những năm trở lại đây, giá chè ngày một nâng cao, Tổng đội Thanh niên xung phong 8 - Xây dựng kinh tế Nghệ An và thương lái về thu mua tận nhà nên bà con rất vui, yên tâm sản xuất.

“Gia đình tôi có hơn 2ha chè. Với mức giá thu mua 10.000 đồng/kg, mỗi năm đem lại thu nhập từ 80-90 triệu đồng. Trong bản Huồi Khả hầu như gia đình nào cũng trồng chè, nhà ít 2ha, nhà nhiều thì 5-7ha. Nhờ cây chè mà chúng tôi thoát được cái nghèo, cái khổ, con cái có điều kiện học hành”, ông Hùa chia sẻ thêm.

Theo thống kê, huyện Kỳ Sơn hiện có hơn 600ha chè; trong đó, có 400ha chè Shan tuyết tập trung chủ yếu tại các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Na Ngoi… đạt sản lượng 1.400 tấn chè tươi/năm. Với mức giá từ 9.000-11.000 đồng/kg chè búp tươi, tính ra hơn 1ha chè thu về gần 40-50 triệu đồng/năm. Đối với đồng bào dân tộc Mông, đây là số tiền lớn, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Dân sinh - Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững (2) (Hình 5).

Chè Shan tuyết được trồng dưới tán cây pơ mu, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế xanh.

Ông Vi Hoè, Bí thư huyện Kỳ Sơn cho biết, cùng với phát triển chăn nuôi, những mô hình, cách làm kinh tế có hiệu quả, mang tính chất bền vững theo hướng tăng trưởng xanh sẽ được huyện chỉ đạo, hỗ trợ nhân rộng. Đặc biệt là lĩnh vực du lịch, phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng.

Trên cơ sở những mô hình kinh tế đã cho thấy rõ hiệu quả, năm 2024, huyện Kỳ Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ phù hợp, kết hợp xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện.

“Trong đó, chú trọng chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại; hình thành các vùng trồng trọt theo hướng VietGAP, sản xuất hữu cơ và trồng dược liệu dưới tán rừng; đẩy mạnh thực hiện giao rừng gắn với giao đất, gắn lợi ích của người dân trong công tác quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng”, đại diện Huyện uỷ Kỳ Sơn nói.

Năm 2023, trà Shan tuyết của Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất chè hữu cơ Huồi Tụ được UBND tỉnh Nghệ An công nhân sản phẩm OCOP 3 sao. Cho đến nay, Kỳ Sơn có 7 sản phẩm OCOP 3 sao, tạo thêm niềm vui, động lực cho người dân sản xuất, kinh doanh ở huyện biên giới rẻo cao này.

Bài 3: Người dân miền núi thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/phat-huy-noi-luc-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-de-giam-ngheo-ben-vung-2-a85318.html