Thôn chài hay ngại ngùng, “ốt dột”
Cách đây khoảng 8-10 năm về trước, khi nhắc đến thôn chài Ngư Mỹ Thạnh ở bên bờ phá Tam Giang (thuộc xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế), nơi đây vẫn nổi tiếng với cái mác là “làng cắn chì”, “thôn răng đen”, hay “xóm ngại cười”…
Ngư ông Phan Văn Ty (SN 1958), một bậc cao niên gắn bó với thôn chài bình dị này từ thuở hộ dân đầu tiên của thôn bước từ thuyền lên bờ dựng nhà dựng cửa chia sẻ, có lẽ bởi lúc ấy, ngư dân trong thôn vẫn có thói quen dùng miệng để đính chì vào các mảnh lưới tự làm, lâu ngày khiến hàm răng của họ bị hư, xẩm màu, cho nên mỗi khi giao tiếp với người khác, họ thường thấy “ốt dột” (Từ địa phương ở Huế nghĩa là mắc cỡ, xấu hổ -PV), e ngại và rất ít khi nói cười. Cái mác “xóm ngại cười” có thể vô hình mà xuất phát từ đó.
Thế nhưng, trong lần tiếp xúc này, lão ngư phủ Phan Văn Ty lại cười vui vẻ nói với người viết: “Đó là chuyện của 8 năm về trước thôi, nay bà con đã cởi mở, tự tin và hay cười rồi”.
Theo lời kể của ông Ty, những hộ dân của xóm chài Ngư Mỹ Thạnh trước đây vốn sống trên thuyền đò, lênh đênh giữa sóng nước đầm phá Tam Giang. Năm 1985, sau trận lũ lịch sử, nhiều thuyền dân bị nước cuốn trôi, chính quyền địa phương mới có chủ trương đưa họ lên bờ để định cư dọc đầm phá.
Tuy nhiên, thời điểm ấy, do bà con quanh năm sống “bơi theo đuôi con cá” nên vẫn tá túc trên bờ kiểu “nửa nhà nửa thuyền”, lúc thì lên bờ, lúc thì xuống đầm phá. Mãi đến năm 2003, do công tác vận động hiệu quả, họ đã quyết định lên bờ ổn định cuộc sống. Thôn chài Ngư Mỹ Thạnh ven bờ phá Tam Giang cũng ra đời từ đó.
Trở lại câu chuyện cái mác “xóm ngại cười”, ông Ty cho biết, việc bà con trong thôn lúc ấy hay ngại ngùng, “ốt dột”, ngoài lý do là hàm răng xẩm màu, mọc lộn xộn bởi thói quen ngậm chì, thì thêm một nguyên nhân nữa là do trước đây họ thường sống lênh đênh trên thuyền, ít giao tiếp với người ngoài, từ đó mà mang tâm lý tự ti, e ngại khi tiếp xúc với người khác.
“Nhất là chị em đàn bà phụ nữ, mỗi khi có người lạ vào làng là hay ngại ngùng, không dám nói chuyện”, ông Ty cười.
Thế nhưng, qua chia sẻ của ông Ty, sau khi làm quen với cuộc sống trên bờ, được giao lưu với người dân trong các thôn làng khác, thêm phần con cái được đi học biết nhiều điều mới rồi về truyền đạt với cha mẹ… từ đó mà tâm lý tự ti của bà con cũng dần dần được cải thiện.
Đặc biệt, do thôn chài nằm ở vị trí bên bờ đầm phá, nơi được thiên nhiên ban tặng không chỉ nguồn thuỷ hải sản phong phú, mà còn là vẻ đẹp thơ mộng của những buổi hoàng hôn, bình minh giữa sóng nước Tam Giang, làng Ngư Mỹ Thạnh nhờ vậy mà ngày càng được nhiều người dân trên địa bàn huyện và ngoài huyện biết đến, rồi tìm về tham quan, khám phá.
Bên chén trà xanh, ông Phan Văn Ty, lão ngư phủ uy tín nay đã được bà con trong xóm bầu làm Trưởng thôn cho hay, ngày trước, khi còn lẻ tẻ du khách tìm về Ngư Mỹ Thạnh, hoạt động phục vụ du lịch trong thôn chỉ diễn ra tự phát, vẫn chỉ là một vài ngư dân dùng đò co-le đánh cá để chở khách ra đầm phá tham quan rồi về.
Mọi sự chỉ thay đổi kể từ khi những mảng rừng ngập mặn được trồng trước đó bắt đầu tươi tốt, có hình hài và điểm tô những vệt xanh giữa mênh mông sóng biếc, thì vẻ đẹp của phá Tam Giang mới được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Khi càng nhiều du khách tìm về, để các hoạt động phục vụ du khách của bà con trong thôn có quy củ hơn, năm 2021, Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang -Quảng Lợi đã được thành lập.
Đổi thay nhờ… rừng, hay cười nhờ… du lịch
Từ khi hợp tác xã ra đời, các hoạt động phục vụ du khách tìm về thôn làng bắt đầu hoạt động có bài bản. Ngoài phục vụ vận chuyển du khách tham quan những mảng rừng bần chua được trồng phân tán ngoài đầm phá, người dân nơi đây còn có nhiều dịch vụ cho khách du lịch như: Trải nghiệm hoạt động đổ nò, đạp trìa, chèo thuyền sup ngắm hoàng hôn, bình minh, khám phá ẩm thực hải sản địa phương trên các nhà chòi len lỏi trong các mảng rừng ngập mặn…
Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh Phan Văn Ty, nay thêm chức mới là Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang -Quảng Lợi nhận định, mọi sự đổi thay này có lẽ bắt đầu là nhờ rừng ngập mặn.
Ông Ty cho biết, dự án trồng rừng ngập mặn dọc phá Tam Giang được triển khai từ năm 2018, đến nay những mảng rừng này đã phủ xanh ven phá. Cây ngập mặn to lớn, phát triển nhanh giúp tôm, cua, cá đến ở và sinh sản. Nhờ thế bà con giăng lưới, bủa lừ có thêm kinh tế, thu nhập cũng vài triệu/tháng.
Vào những ngày lũ bão, bà con cũng mang thuyền đến neo đậu trong rừng ngập mặn. Không chỉ che chắn, bảo vệ tài sản cho người dân, những cánh rừng bần chua xanh tươi cũng đã tạo nên những cảnh quan tuyệt đẹp, từ đó kéo theo du lịch cộng đồng phát triển.
Chị Lường Thị Hiền, quê gốc ở Thanh Hoá nhưng khi về lấy chồng làm dâu ở thôn Ngư Mỹ Thạnh đã trở thành một “hướng dẫn viên” xuất sắc của Hợp tác xã. Người dân trong thôn và các du khách vẫn gọi chị với biệt danh thân thương là “người kể chuyện Tam Giang - Hiền Lường”.
Hiền chia sẻ rằng, trước đây, chính chị cùng chị em phụ nữ trong thôn tham gia trồng rừng ven phá. Khi cây phát triển thành rừng, chị cùng người dân bắt đầu làm quen với mô hình du lịch cộng đồng.
“Ban đầu chỉ là những chòi nhỏ trên mặt nước để du khách ăn uống. Sau này, mọi người mở thêm dịch vụ để du khách trải nghiệm việc mò cua, đánh bắt cá, trìa, chèo sup dạo mát trong rừng. Vào mùa hè, mỗi người có thể có thêm thu nhập bình quân 300-500.000 đồng/ngày. Tôi thấy vui khi được góp một phần vào việc trồng rừng, làm du lịch này”, Lường Hiền nói.
“Mấy ngày nay, du khách khắp mọi nơi tìm về rất đông, có khi 3-4 xe khách cỡ lớn chở khách về một lần. Bà con người thì chạy thuyền chở khách, người thì cho thuê thuyền sup, người thì chuẩn bị các món ăn ẩm thực để phục vụ ăn uống, người thì dẫn khách đi thăm chợ nổi, người khác lại dẫn khách đi đổ nò, đạp trìa… Vui và có thu nhập nhờ mô hình du lịch cộng đồng này lắm!”, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang -Quảng Lợi Phan Văn Ty vui mừng chia sẻ.
Lão Ty vui đùa nói tiếp: “Mà đã làm du lịch cộng đồng, hay tiếp xúc với nhiều du khách thì giờ mà “ốt dột”, ngại cười sao được. Muốn lấy lòng khách thì phải vui vẻ, thân thiện, niềm nở nên bà con Ngư Mỹ Thạnh giờ hay cười, mặt lúc nào cũng tươi như hoa là vì thế”.
Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh thông tin thêm, toàn thôn có khoảng 250 hộ với hơn 1000 nhân khẩu, lâu nay đa số bám víu vào đầm phá làm nghề đánh bắt thuỷ sản. Nay nhờ du lịch cộng đồng phát triển, người dân có thêm thu nhập bằng việc tham gia phục vụ các dịch vụ đón dẫn du khách hay tiêu thụ được hải sản đánh bắt được…
“Hiện du lịch đầm phá tại địa phương đang phát triển, lượng khách tìm về ngày càng đông, nhiều khi quá tải. Mặc dù, bà con các xã viên rất muốn đầu tư thêm các nhà choi để phục vụ ăn uống, đặc biệt là phương tiện thuyền để chở du khách, tuy nhiên, đa phần xã viên xuất phát điểm còn nghèo, ít vốn, nếu được rất mong chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để bà con có thể đầu tư thêm cơ sở vật chất, phương tiện, phát triển thêm các dịch vụ nhằm phục vụ được tốt hơn du khách tìm về”, ngư phủ già Phan Văn Ty tâm tư.
Lê Kông
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/dieu-gi-khien-thon-chai-ven-pha-tam-giang-thoat-mac-xom-ngai-cuoi-a85042.html