Dùng cạn pin, sạc đầy 100% pin
Một số người có thói quen để điện thoại cạn pin mới sạc nhưng cũng có người chờ sạc đầy 100% mới ngắt và do đó thường xuyên cắm sạc qua đêm. Các chuyên gia khuyến cáo cách làm này khiến quá trình "chai" pin diễn ra nhanh hơn.
Theo các chuyên gia, tuổi thọ pin Li-ion được tính bằng số chu kỳ sạc, tức khi sạc 50% cho cục pin dung lượng 5.000 mAh thì cục pin đó mới đạt 1/2 chu kỳ và thêm 50% nữa mới hết một chu kỳ. Điều đó đồng nghĩa người dùng có thể sạc pin bất cứ khi nào cần, thay vì chờ máy gần hết pin và nạp đầy 100%. Thậm chí, nếu để pin xuống gần mức 0%, tức gần sập nguồn, sẽ khiến một số cell pin có thể mất khả năng hoạt động.
Các chuyên gia lưu ý người dùng nên duy trì pin trong khoảng từ 20 - 90% và kết thúc một lần sạc ở mức 80-90% sẽ tốt cho pin hơn khi đầy 100%.
"Pin sẽ có tuổi thọ dài nhất nếu được duy trì ở mức giữa 65% và 75%. Ngoài ra, không nên sạc điện thoại qua đêm hoặc bật tính năng sạc chậm nếu điện thoại có hỗ trợ", các chuyên gia nhấn mạnh.
Sử dụng phụ kiện sạc kém chất lượng
Để tiết kiệm chi phí, nhiều người dùng có xu hướng sử dụng cáp và bộ sạc nhái, kém chất lượng. Những bộ phụ kiện này không những làm chậm quá trình sạc mà còn làm hỏng chiếc điện thoại của bạn theo thời gian.
Cách tốt nhất là sử dụng bộ cáp sạc đi kèm máy của nhà sản xuất. Trong trường hợp nhất thiết phải mua bộ sạc ngoài, bạn nên chọn bộ sạc chính hãng, hoặc từ bên thứ ba được chứng nhận an toàn và đáng tin cậy.
Với những bộ cáp sạc đã cũ, có hiện tượng lỏng lẻo ở đầu cáp sạc, hay vỡ vỏ, cáp lộ lõi đồng thì bạn nên thay mới.
Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng sạc dự phòng để kéo dài thời gian sử dụng pin một cách hiệu quả. Tuy nhiên, sạc dự phòng trôi nổi cũng có thể khiến pin nhanh hỏng hơn và tiềm ẩn khả năng gây cháy nổ. Người dùng nên chọn sạc dự phòng có thương hiệu, tốc độ sạc phù hợp để bảo đảm an toàn cho chiếc điện thoại thông minh của bạn và cho chính bạn.
Sạc khi điện thoại quá nóng
Chuyên gia Aamir Irshad cho biết, smartphone hoạt động tốt nhất tại nhiệt độ từ 0-35℃ (đây cũng là khuyến cáo của nhiều hãng smartphone). Vì thế, tuyệt đối không nên để điện thoại của bạn tiếp xúc với nhiệt độ quá cao.
“Vượt qua giới hạn này theo bất kỳ cách nào cũng đều có thể gây hại cho điện thoại, đặc biệt đối với phần pin. Hãy đảm bảo nhiệt độ của máy ở mức phù hợp nhất trước khi bạn cắm sạc”, Irshad khuyến cáo.
Vì thế, người dùng đặc biệt lưu ý khi dùng sạc nhanh, do sạc nhanh sinh nhiều nhiệt, khiến điện thoại nóng và gây hại cho máy, nhất là phần pin.
Apple khuyến cáo "không nằm đè lên thiết bị đang cắm điện, đặt chúng dưới chăn, gối hoặc cơ thể khi đang sạc". Vì thiết bị có thể nóng lên nhanh chóng gây hại cho máy, thậm chí gây cháy nổ.
Ngoài ra, người dùng nên hạn chế sạc điện thoại ở nơi có nhiệt độ cao, nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Nếu sạc ngoài trời, cần đặt điện thoại trong bóng râm, thoáng gió. Nên tháo ốp lưng điện thoại khi sạc.
Vừa cắm sạc vừa dùng điện thoại
Các điện thoại thông minh thường có khả năng ngừng sạc khi pin đạt 100%. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bộ sạc đã ngừng hoạt động. Nếu người dùng tiếp tục sử dụng điện thoại, thiết bị sẽ lấy năng lượng từ pin, buộc bộ sạc phải kích hoạt lại quá trình hoạt động.
Quá trình này diễn ra liên tục khiến thiết bị nóng lên nhanh chóng, có thể gây ra hiện tượng cháy nổ. Ngoài ra, việc vừa sạc vừa dùng có thể đẩy nhanh việc "chai" pin bởi quá trình này sẽ khiến một số cell pin bên trong hư hỏng.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Người Lao Động)
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/4-sai-lam-chi-mang-khi-sac-khien-dien-thoai-hong-nhanh-chong-a84322.html