Việt Nam giữ vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm
Theo báo cáo, năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Sự sụt giảm này cho thấy bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhiều biến động trên toàn cầu.
Tuy nhiên, so với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm nhẹ 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ ba về tổng giá trị đầu tư. Singapore dẫn đầu cả về số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư, theo sau là Indonesia.
Lĩnh vực y tế nhận được số vốn cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với cùng kỳ năm trước, trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Lĩnh vực giáo dục cũng nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, gần 100 quỹ đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư năng động nhất đến từ Singapore, theo sau là các nhà đầu tư Việt Nam.
Cũng theo báo cáo, nhiều chính sách được đề xuất nhằm tạo ra môi trường để các công ty đổi mới sáng tạo có thể phát triển và thu hút đầu tư, bao gồm: Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Cơ chế liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi; Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng…
Sở hữu tiềm năng to lớn để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh: Trong Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, Việt Nam tăng hai bậc lên vị trí thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng được xếp hạng là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Năm 2023, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực trong thu hút lượng đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech và trí tuệ nhân tạo. Dòng vốn này đã góp phần quan trọng cho phát triển của các doanh nghiệp trong nước và minh chứng cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.
Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh trên thị trường công nghệ cao toàn cầu. Hai lĩnh vực có nhiều hứa hẹn là ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là những lĩnh vực chiến lược và động lực phát triển mới để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và đề án đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, giữa các trường đại học với các doanh nghiệp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Tương lai phát triển AI của Việt Nam hết sức rộng mở khi một số doanh nghiệp khởi nghiệp đã vươn tầm quốc tế và thị trường có đủ cơ hội cho mọi người.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cam kết nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút đầu tư và nuôi dưỡng nhân tài. Thông qua các cơ chế chính sách ưu đãi, hợp lý hóa, đơn giản hóa các quy định và đẩy mạnh hợp tác, sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp, tập đoàn, các tổ chức liên quan và chuyên gia để phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Cùng với đó, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế nhằm tận dụng chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm của họ để xây dựng một cộng đồng đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo việc làm chất lượng cao và cải thiện mức sống cho người dân, định hình một tương lai thịnh vượng cho Việt Nam.
Cũng tại diễn đàn, lễ cam kết thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ cao đã chính thức diễn ra với sự tham gia của đại diện một số bộ ngành, daonh nghiệp, quỹ đầu tư..., thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng như sự đồng hành và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực và điểm đến đầu tư tiềm năng cho các ngành công nghệ cao.
Mạnh Hùng
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/viet-nam-vung-vang-truoc-thach-thuc-trong-doi-moi-sang-tao-a83577.html