Đây là hoạt động nhằm triển khai nhiệm vụ "Hỗ trợ nâng cao năng lực của địa phương trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) của Bộ KH&CN.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN TP. Hải Phòng cho biết, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hàm lượng tri thức cao đã tạo động lực phát triển, hình thành làn sóng phát triển mới cho nền kinh tế, xã hội của TP. Hải Phòng nói riêng và cả khu vực nói chung, đưa Hải Phòng đột phá trở thành địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp hiện đại, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bền vững, là thành phố tiên phong phát triển công nghệ gắn liền với đổi mới sáng tạo, đặc biệt tạo động lực hình thành hành lang đổi mới sáng tạo Vùng đồng bằng sông Hồng liên kết quốc gia, kết nối quốc tế.
Việc Hải Phòng đăng cai tổ chức Techfest vùng Duyên hải Bắc Bộ giúp cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Hải Phòng phát triển, hợp tác với doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đề xuất các giải pháp đổi mới sáng tạo, đưa thành phố phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế là thành phố đổi mới sáng tạo.
Đây cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động của Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng ra thế giới…
Đại diện phía Hàn Quốc, ông Lee Beom Seok, Thị trưởng TP. Cheongju, tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc bày tỏ mong muốn trong sự kiện sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo giữa TP. Cheongju và TP. Hải Phòng nói riêng, giữa Hàn Quốc và Việt Nam nói chung.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), đổi mới sáng tạo mở là một nhu cầu cần thiết chứ không phải chỉ là một sự khuyến khích hay là lựa chọn.
Các tập đoàn, các doanh nghiệp mở hệ sinh thái của mình ra không chỉ dựa vào nguồn lực bên trong từ các nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn của mình, mà còn sử dụng trí tuệ bên ngoài, chính là các startup, các viện, trường là một nguồn lực để phát triển những sản phẩm mới. Và trong mối quan hệ đó thì viện, trường, doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tập đoàn trở thành khách hàng, nhà đầu tư của nhau và trở thành những người sử dụng những sản phẩm của nhau và sử dụng trí tuệ của nhau.
Thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở nhằm tăng hiệu quả cho doanh nghiệp thông qua việc tận dụng nguồn lực từ bên ngoài để giúp đổi mới, cập nhật và phối hợp về công nghệ, giảm bớt chi phí nghiên cứu, giải quyết bài toán kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp mình.
Với nỗ lực đó, trong thời gian qua, Bộ KH&CN cũng có nhiều hoạt động tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế với các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động như: Australia, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore... nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ mục tiêu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Sự kiện International Techfest Connect 5+ sẽ giới thiệu và kết nối trực tiếp hơn 150 công nghệ và sản phẩm đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế với hơn 40 gian hàng và các hoạt động bên lề, dự kiến thu hút hơn 1.000 lượt khách là các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, viện trường khu vực đồng bằng sông Hồng và doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự.
Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra các chuỗi các hoạt động như: Hội nghị kết nối đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và Hàn Quốc; Hội nghị kết nối kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Techfest; Hội nghị kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc; Hội nghị kết nối, phổ biến mô hình kết nối và giải quyết bài toán đầu ra thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua hoạt động đặt hàng của doanh nghiệp lớn...
Hoàng Giang
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/techfest-ket-noi-vung-duyen-hai-bac-bo-a82044.html