Quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ

(Chinhphu.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật KH&CN 2013 với nhiều điểm mới, đột phá, thể hiện được kỳ vọng “lột xác” để trở thành một công cụ hữu hiệu, hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh như trên tại Họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ KH&CN tổ chức ngày 10/4.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về quy định chấp nhận rủi ro khi sửa đổi Luật KH&CN tới đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) cho biết, việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chính sách vượt trội, cơ chế thử nghiệm chính sách mới, rủi ro đã được thể hiện xuyên suốt trong các chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, đặc thù của hoạt động KH&CN là nghiên cứu tìm những cái mới, có thể chúng ta đặt ra mục tiêu nhưng trong quá trình nghiên cứu, không đi đến kết quả.

Vì vậy, Luật KH&CN 2013 đã có quy định liên quan đến chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu KH&CN, thể hiện ở Điều 23 về ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài KH&CN.

Cụ thể là người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ được hưởng ưu đãi được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.

Tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi), Bộ KH&CN dự kiến có 15 nhóm chính sách lớn và đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội để tiếp tục hoàn thiện.

Trong đó, nội dung về chấp nhận rủi ro được thể hiện ở trong 3 chính sách, liên quan đến tổ chức KH&CN, chương trình nhiệm vụ KH&CN, cá nhân hoạt động KH&CN.

"Nội dung về chấp nhận rủi ro đã được mở rộng hơn so với Luật KH&CN 2013. Bên cạnh đó, nội dung này cũng cần được hoàn thiện đồng bộ với các hệ thống pháp luật có liên quan, chứ không chỉ ở Luật KH&CN", bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp nói.

Làm rõ thêm, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, một trong những điểm nghẽn của hoạt động KH&CN lâu nay vẫn là cơ chế chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu. 

Hiểu đơn giản, rủi ro có nghĩa là nhà khoa học sử dụng ngân sách nhà nước để nghiên cứu, quá trình nghiên cứu đúng, chi tiêu đúng quy định, theo đúng phương thức của hội đồng nhưng cuối cùng không ra kết quả, trước đây chúng ta coi là thất bại.

"Chúng tôi đang rất quyết liệt sửa đổi Luật KH&CN 2013, theo định hướng của Chính phủ là phải "lột xác", sửa rất kỹ, thậm chí gần như hoàn toàn mới. 

Trong đó chấp nhận rủi ro là nội dung là rất quan trọng bởi vì có thế mới khuyến khích được các nhà khoa học đam mê nghiên cứu", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo

Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cho biết, trong quý I/2024, bên cạnh việc tập trung xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi), Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Bộ KH&CN cũng hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 nghị định, 2 quyết định. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành 2 thông tư, gồm: Thông tư số 01/2024/TT-BKHCN ngày 18/01/2024 của Bộ trưởng quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/3/2024 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Đặc biệt, trong quý I, Bộ KH&CN đã công bố kết quả triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023. 

Đây là lần đầu tiên Bộ tổ chức công bố Bộ chỉ số này nhằm đo lường năng lực đổi mới sáng tạo và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, đồng bộ với Bộ chỉ số GII của Việt Nam, cung cấp các căn cứ khoa học, thực tiễn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trực tiếp là lãnh đạo các địa phương sử dụng trong xây dựng, thực thi các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo.

Thời gian tới, Bộ KH&CN tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KHCN và đổi mới sáng tạo, tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi); tiếp tục hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Đồng thời hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; ban hành theo thẩm quyền các Thông tư nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, Bộ KH&CN tiếp tục tăng cường mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương về KHCN và đổi mới sáng tạo với các đối tác quốc tế; tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4 và phát động các hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2024; chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4; tổ chức hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, hướng tới kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN như: Triển lãm và gian hàng thành tựu KHCN và đổi mới sáng tạo; Lễ chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024; Lễ trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN; Hội nghị các nhà khoa học trẻ và Lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến khoa học 2024…

Phan Thu



Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/quyet-liet-sua-doi-toan-dien-luat-khoa-hoc-va-cong-nghe-a81474.html