Giải thưởng Kovalevskaia 2023 vừa vinh danh hai nữ nhà khoa học gồm GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và PGS.TS Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Hải dương học Việt Nam.
Trong đó, PGS.TS Đào Việt Hà là một trong những chuyên gia kỳ cựu ngành hải dương học, được biết đến là người Việt Nam tiên phong trong nghiên cứu độc tố biển và an toàn thực phẩm của Việt Nam và khu vực Tây Thái Bình Dương.
Từng bước giải quyết những "mảng trống" trong hướng nghiên cứu về độc tố biển
Với hơn 30 năm nghiên cứu, đến nay, PGS.TS Đào Việt Hà đã chủ trì 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam; công bố 104 bài báo khoa học, trong đó có 41 bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Ngoài ra, PGS.TS Đào Việt Hà còn là tác giả chính 1 giải pháp hữu ích, 1 sách chuyên khảo và 1 chương sách chuyên khảo song ngữ về nghiên cứu độc tố biển và an toàn thực phẩm.
Các đề tài khoa học của PGS.TS Hà chủ trì thực hiện luôn bám sát những vấn đề nổi cộm, "nhức nhối" của xã hội và nhu cầu đáp ứng về chất lượng hải sản trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Chị và nhóm nghiên cứu đã từng bước giải quyết những "mảng trống" trong hướng nghiên cứu về độc tố biển và an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Lựa chọn cách tiếp cận bám theo những ca ngộ độc thực phẩm biển khi hoàn toàn không ai biết lý do, các kết quả nghiên cứu của chị và các đồng nghiệp là bằng chứng khoa học về bản chất, thành phần và đặc tính của độc tố trong các loài động vật biển Việt Nam.
Một trong những đề tài nghiên cứu đáng chú ý của PGS.TS Đào Việt Hà, đó là nghiên cứu độc tính của một số loài cá nóc có sản lượng cao tại vùng biển Khánh Hòa nhằm đề xuất quy trình xử lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (2007-2008).
Với vai trò chủ nhiệm đề tài độc lập cấp Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, PGS.TS Đào Việt Hà đã thực hiện nghiên cứu độc tính của một số loài cá nóc có sản lượng cao tại vùng biển Khánh Hoà. Nghiên cứu đã xác định được tetrodotoxin là độc tố chính trong các loài cá nóc có nguy cơ gây ngộ độc tại Việt Nam và chứng minh sản phẩm chế biến (nước mắm) từ cá nóc độc là không an toàn.
Đây chính là cơ sở khoa học tin cậy cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý chất lượng thủy sản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng hợp lý nguồn lợi cá nóc tại Việt Nam.
Ngoài ra, thông tin khoa học của đề tài còn góp phần giáo dục, cảnh báo cộng đồng ngư dân trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm, thậm chí tử vong đáng tiếc do tiêu thụ cá nóc thiếu hiểu biết.
Kết quả nghiên cứu này được đăng trên 01 tạp chí quốc tế, 2 tạp chí trong nước và phát hành 300 tờ rơi, 100 áp phích cung cấp cho các đơn vị chức năng (Trung tâm Y tế dự phòng, Sở KHCN tỉnh Khánh Hòa…) tuyên truyền cho cộng đồng ngư dân ven biển tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ cá nóc độc.
Chia sẻ về những khó khăn đối với nhà khoa học, PGS.TS Đào Việt Hà cho hay, là người Việt Nam đi tiên phong trong hướng nghiên cứu về độc tố biển – là một hướng nghiên cứu khó, ban đầu chị gặp khó khăn về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu. Đáng mừng là đến nay hướng nghiên cứu độc tố biển tại Việt Nam đã từng bước được quốc tế ghi nhận.
Kinh nghiệm, kiến thức của chị và các đồng nghiệp trong lĩnh vực này đang được đánh giá cao, có giá trị tham chiếu và khẳng định quan trọng về khoa học trong đối thoại của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi của các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu và tăng cường uy tín về năng lực khoa học của Việt Nam.
PGS.TS Đào Việt Hà không quên được giây phút mừng rơi nước mắt khi các bác sĩ y khoa liên hệ để cảm ơn vì họ đã điều trị thành công, cứu sống nạn nhân của những ca ngộ độc thực phẩm từ động vật độc (cá nóc, cua rạn…) từ các thông tin khoa học về bản chất độc tố mà chị cung cấp. Hay những lần được nghe chính người dân ven biển nói họ đã từ bỏ thói quen ăn cá nóc từ khi họ biết rằng thịt cá nóc vẫn độc dù được nấu chín kỹ vài tiếng đồng hồ…
"Những ví dụ này chứng tỏ kết quả nghiên cứu của chúng tôi có giá trị thực tiễn, được cộng đồng ghi nhận, và đã hướng tới một cuộc sống con người Việt Nam chúng ta mạnh khỏe hơn, tốt đẹp hơn", PGS.TS Đào Việt Hà tâm sự.
Đó cũng chính động lực nuôi dưỡng đam mê, theo đuổi hướng nghiên cứu của chị và các đồng nghiệp trong bối cảnh diễn biến ngày càng phức tạp của môi trường biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng ngộ độc thực phẩm biển cũng trở nên phức tạp hơn, với sự xuất hiện của một số độc tố biển mà trước đó chưa được ghi nhận tại Việt Nam.
Chịu khó, chịu khổ, dám nghĩ, dám làm để chạm tới thành công
Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS Đào Việt Hà còn là nữ Viện trưởng duy nhất trong tổng số 16 Viện trưởng Viện Hải dương học từ 1922 đến nay. Trên cương vị này, chị đã có những định hướng và lãnh đạo đơn vị trong nghiên cứu khoa học, trong xây dựng tiềm lực, trong phát triển nguồn nhân lực trình độ cao và trong định hướng chiến lược về KHCN biển.
Giai đoạn gần đây, Viện Hải dương học đã phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, khắc phục những khó khăn, thử thách để xây dựng tiềm lực khoa học và đạt được những thành tích trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, hợp tác quốc tế, quản lý và phát triển cơ sở vật chất để trở thành một trung tâm nghiên cứu mạnh về hải dương học trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định được uy tín, vị thế trên trường quốc tế.
Do tính chất đặc thù về nghiên cứu KHCN biển, có những công việc của lãnh đạo đơn vị tưởng chừng không "dành" cho phụ nữ như tổ chức, điều hành hay trực tiếp tham gia những chuyến khảo sát biển, ứng phó, xử lý tình huống và cần có những quyết định phù hợp nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng con người, bảo vệ tài sản nhà nước (các thiết bị khảo sát…) nhưng PGS.TS Đào Việt Hà luôn cố gắng bảo đảm hiệu quả công việc, hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ kiêm Giám đốc Bảo tàng Hải dương học từ 2019 đến nay, chị đã có nhiều đổi mới hình thức hoạt động tại Bảo tàng Hải dương học nhằm tăng cường công tác quảng bá và giáo dục cộng đồng về ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền biển đảo.
Trong vai trò Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ biển của Học viện KHCN (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), PGS.TS Đào Việt Hà đã chỉ đạo và điều phối công tác đào tạo về KHCN biển cho các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên; là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Tokyo, Nhật Bản và giảng viên thỉnh giảng của Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam...
Ngoài ra, những hoạt động quốc tế của PGS.TS Đào Việt Hà ở các cương vị Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ của Việt Nam về Hải dương học, thành viên Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật của cơ quan Quyền lực đáy đại dương đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam đối với quốc tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Hơn 30 năm làm công tác nghiên cứu, PGS.TS Đào Việt Hà cho rằng để theo đuổi đam mê, nhà khoa học cần phải chịu khó, chịu khổ, dám nghĩ, dám làm để chạm tới thành công.
Trình độ và năng lực khoa học của phụ nữ không hề thua kém so với nam giới và phụ nữ hiện đại ngày nay không còn bị rào cản về gia đình, xã hội. Tuy nhiên, trăn trở nhất lớn nhất hiện nay của nữ PGS chính là đào tạo cũng như tạo môi trường làm việc thật tốt cho thế hệ trẻ, từ đó khích lệ các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là những nhà khoa học nữ.
Hoàng Giang
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/nha-khoa-hoc-nu-tien-phong-trong-nghien-cuu-doc-to-bien-a78794.html