Không có việc ép học sinh thành tích kém phải chuyển trường

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin, Phòng GD&ĐT đã trực tiếp rà soát và làm việc với phụ huynh học sinh để có biện pháp xử lý.

Trả lời báo chí xoay quanh thông tin trường học ép học sinh lớp 9 có thành tích kém chuyển trường, hoặc không đăng ký đi vào lớp 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có biện pháp cụ thể nào để giải quyết nhằm ổn định tâm lý học sinh, giải tỏa bức xúc của các phụ huynh học sinh tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết, sau khi được biết thông tin có trường học ép học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10, Bộ đã chỉ đạo ngay Sở Giáo dục và Đào Tạo TP.Hà Nội rà soát, xác minh, làm rõ nội dung thông tin.

“Phòng GD&ĐT sau đó đã trực tiếp rà soát và làm việc với phụ huynh học sinh để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, theo báo cáo xác minh của Phòng GD&ĐT, tại nhà trường không có hiện tượng như vậy. Đây có thể xuất phát từ việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại các nhà trường. Do đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 08 ngày 27/4 về việc tăng cường triển khai chấn chỉnh công tác thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào lớp 10”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Tiêu điểm - Không có việc ép học sinh thành tích kém phải chuyển trường

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin tại buổi họp báo.

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, công tác tuyển sinh được đảm bảo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc và trong trường hợp phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Về phía Bộ GD&ĐT, từ 12/2017, đã ban hành công văn số 6122 để khắc phục “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục, trong đó, nhấn mạnh đến công tác quản lý thi cử và đào tạo thực chất.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục ban hành các văn bản yêu cầu toàn ngành thực hiện nghiêm túc công văn 6122.

Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ, tổ chức thực chất, nghiêm túc các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, xét tuyển, xét tốt nghiệp THCS… Tiếp đó, làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường để đạt mục tiêu thực chất, chứ không phải là hình thức để tránh thông tin như thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh, công tác hướng nghiệp là thực hiện theo Nghị quyết 29 của Trung ương, hướng tới sau năm 2020, thực hiện bắt buộc giáo dục 9 năm, sau đó đến lớp 10 là phân bổ hướng nghiệp.

Theo đó, cần tăng cường thanh tra kiểm tra tại các đơn vị trong thực hiện công tác hướng nghiệp để phát hiện sai phạm và có phương hướng xử lý.

Liên quan đến MV ca nhạc mới của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết đã nắm được sự việc.

“Thời gian vừa qua, các em học sinh phải học trực tuyến do dịch bệnh Covid-19 nhưng các em cũng vừa được đến trường, mới ổn định nề nếp. Có thể nói, công tác tư vấn trong nhà trường đã và đang được triển khai rất mạnh. Bộ đã chỉ đạo rà soát việc học tập trực tuyến của các em học sinh trong thời gian vừa qua, đồng thời, phát hiện những em học sinh có điều kiện học tập chưa thật tốt để tư vấn cho các em có điều kiện học tập tốt hơn. Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn giáo dục tư tưởng cho các em để các em có đủ hiểu biết, không bị ảnh hưởng bởi những video clip kể trên”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/khong-co-viec-ep-hoc-sinh-thanh-tich-kem-phai-chuyen-truong-a7282.html