Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, sáng 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 10 chương và 102 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.
Do đó, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Nội dung dự án Luật được xây dựng theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Thẩm tra về các nội dung của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật với các lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, nhiều chính sách liên quan đến phát sinh thủ tục hành chính và có tác động về nhiều mặt với nhiều bên liên quan.
Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ hơn tác động của các chính sách này đến môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bà cho biết, dự thảo Luật có nhiều nội dung thay đổi, bổ sung và dự kiến sẽ phát sinh nhiều vấn đề về thủ tục hành chính, đặc biệt trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách tổ chức, bộ máy trong ngành y tế còn chậm.
Cùng với đó, một số thiết chế mới như Hội đồng Y khoa quốc gia, khám bệnh, chữa bệnh từ xa, áp dụng kỹ thuật mới… với nhiều quy định tác động trực tiếp đến người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người bệnh, đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế và tạo điều kiện thuận lợi cho người hành nghề, cơ sở hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, người đi khám bệnh, chữa bệnh và các cá nhân trong quá trình tham gia khám bệnh, chữa bệnh.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật; cho rằng Hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phần lớn nội dung Hồ sơ dự án Luật đã được hoàn thiện, bổ sung theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8 (tháng 2/2022).
Tán thành với sự cần thiết cũng như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã có sự thay đổi rất tích cực; tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nhiều ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân…
Để đảm bảo chất lượng của dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế cụ thể, sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới vào trong dự thảo Luật.
Đặc biệt, các nội dung của dự thảo Luật cần được xây dựng theo đúng phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”.
Để bảo đảm tối đa quyền lợi của nhân dân khi tham gia khám, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này sau khi hoàn thiện cần phải đảm bảo khắc phục được tình trạng quá lạm dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao nhằm đẩy giá dịch vụ lên quá cao so với khả năng chi trả của đại đa số quần chúng nhân dân như một số quốc gia trên thế giới.
Tình trạng người bệnh dồn lên tuyến trên khám, chữa bệnh quá nhiều; bảo đảm công khai, minh bạch tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, tránh các tiêu cực trong lĩnh vực y tế; bảo vệ thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa trong lĩnh vực y tế; bảo đảm rõ ràng minh bạch đối với các bên tham gia hoạt động khám, chữa bệnh...
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/kham-chua-benh-theo-huong-lay-nguoi-benh-lam-trung-tam-a6327.html