Sáng nay (13/4), Bộ Y tế tiến hành trả lời báo chí về các thắc mắc liên quan đến việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Sẽ tiêm cùng một loại vắc-xin
Tại buổi thông tin bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Cho đến nay chúng ta đã nhận lô vắc-xin đầu tiên củ Chính phủ Úc về tới Việt Nam.
Lô vắc-xin này đã được chuyển đến Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin để kiểm định chất lượng. Sau khi có kết quả an toàn và đồng thời công tác chuẩn bị tiêm chủng ở các địa phương. Chúng tôi dự kiến trong tuần tới có thể triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ em”
Theo quy trình vắc-xin sẽ được tiêm cho nhóm trẻ lớp 6 sau đó triển khai cho nhóm tuổi nhỏ hơn. Đối với từng lô vắc-xin và nhóm tuổi Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo tính đồng đều. Loại vắc-xin được sử dụng cho trẻ là Moderna, Pfizer.
Bà Hồng chia sẻ thêm: “Trong đợt tiêm chủng này phải thực hiện đúng theo chỉ định, các em sẽ được tiêm 2 mũi vắc-xin cùng loại.
Chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể để tránh nhầm lẫn, chia loại vắc-xin theo từng nhóm tuổi và triển khai tiêm cuốn chiếu theo lớp, đặc biệt lưu ý ở mũi tiêm số 2. Đối với phụ huynh cũng cần ghi nhớ loại vắc-xin mà con đã được tiêm để tránh xảy ra sai sót”.
Về phản ứng sau tiêm, chuyên gia cũng lưu ý các em có thể mệt mỏi, sốt và tình trạng này xuất hiện ở mũi thứ 2 nhiều hơn mũi đầu , tỉ lệ sốt và phản ứng thông thường xuất hiện trên 10% dưới 50%. Biểu hiện ít hơn 10% là phản ứng sưng tấy tại chỗ tiêm, buồn nôn, nổi hạch, phát ban, nổi mề đay,…
Để đảm bảo an toàn khi đưa trẻ đi tiêm chủng cha mẹ phải theo dõi sức khỏe của các con, các hoạt động ăn uống sinh hoạt, phát hiện những điều bất thường.
“Chúng ta sẽ có rất nhiều đợt tiêm chủng, khi các cháu thực sự khỏe mạnh mới cho con đi tiêm chủng.
Khi gặp cán bộ y tế cha mẹ phải chia sẽ những bệnh tiền sử bệnh, dị ứng của trẻ để các bác sĩ có hướng dẫn và chỉ định cụ thể”, bà Hồng bày tỏ.
Trẻ không vận động mạnh sau khi tiêm vắc-xin
Theo khuyến cáo những khoảng thời gian quan trọng mà các bậc phụ huynh cần lưu ý đó là 30 phút sau khi tiêm chủng; 24 tiếng, 3 ngày, 1 tuần và 28 ngày sau khi tiêm.
TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Đối với trẻ sau khi tiêm 3 ngày và trong bối cảnh hiện nay các em học sinh đã đi học cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong quá trình theo dõi cho trẻ.
Cần chú ý quan sát các diễn biến như sốt, thay đổi màu sắc da, niêm mạc mắt. Khuyến cáo tránh vận động mạnh, những hoạt động thể dục nhà trường cần có sự điều chỉnh cho phù hợp”.
Đối với trẻ đã mắc Covid-19 sẽ thực hiện tiêm sau 3 tháng. Đến nay, các chuyên gia cũng đánh giá thời gian 3 tháng phù hợp cho việc hồi phục thể chất của trẻ và mức độ kháng thể cũng bắt đầu suy giảm.
Trước câu hỏi liệu vắc-xin Covid-19 có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, ông Ngãi thông tin: “Hiện nay đã có 53 nước đã tiêm và có kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ. Vắc-xin mRNA không vào nhân tế bào nên phụ huynh có thể yên tâm. Về cơ chế, không ảnh hưởng đến cấu trúc di truyền của trẻ”.
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/tiem-vac-xin-covid-19-khong-anh-huong-den-chuc-nang-sinh-san-cua-tre-a5445.html