Vì sao Hải Dương đề xuất làm đường vành đai hơn 23.000 tỉ đồng kết nối với Hà Nội?

Chủ tịch tỉnh Hải Dương cho biết việc xây dựng đường vành đai V qua địa bàn tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngày 2/3, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, đoạn vành đai V - vùng thủ đô qua địa phận tỉnh dài 52,7 km, với quy mô 6 làn xe có vai trò là trục Bắc - Nam của tỉnh Hải Dương, kết nối các trục giao thông quan trọng quốc gia gồm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5, quốc lộ 18 và cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Việc sớm triển khai đầu tư đoạn tuyến này sẽ phân bổ lưu lượng giao thông cho quốc lộ 5 vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện chưa khai thác hiệu quả. Đồng thời tuyến đường sẽ hỗ trợ giải quyết tình trạng quá tải và mất an toàn giao thông cho quốc lộ 37, quốc lộ 38, quốc lộ 17B, quốc lộ 5 và quốc lộ 8.

"Đường vành đai V qua địa bàn tỉnh sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương và các tỉnh trong vùng thủ đô Hà Nội", ông Hùng nói.

Trên cơ sở đó, Hải Dương chủ động đề nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ, đồng ý chủ trương giao tỉnh này thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai V - vùng thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa bàn tỉnh.

Về nguồn vốn đầu tư, ông Hùng cho hay tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn ngân sách trung ương để thực hiện phần xây lắp, ngân sách địa phương sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Khái toán kinh phí đầu tư dự án với chiều dài 52,7km, quy mô đường ô tô cao tốc 6 làn xe, nền đường rộng 33m là khoảng 23.390 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 3.150 tỉ đồng; xây lắp và các chi phí khác là 18.400 tỉ đồng; dự phòng 1.840 tỉ đồng.

Đường vành đai 5 được phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2014, dài khoảng 331 km (không bao gồm 41 km đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3).

Vành đai 5 đi qua 8 tỉnh, thành gồm: Hà Nội dài khoảng 48 km, qua Hòa Bình hơn 35 km; qua Hà Nam hơn 35 km; qua Thái Bình hơn 28 km; qua Hải Dương gần 53 km; qua Bắc Giang hơn 51 km; qua Thái Nguyên gần 29 km và đoạn qua Vĩnh Phúc hơn 51 km. Tuyến đường này xây dựng nhằm liên kết các đô thị quan trọng của các tỉnh liền kề thủ đô.

Nhu cầu vốn đầu tư tuyến đường khoảng 85.561 tỉ đồng (tính theo giá năm 2013).

Về tiến độ thực hiện, giai đoạn 2020 - 2030, xây dựng toàn tuyến theo quy mô quy hoạch của đường vành đai 5 đạt tối thiểu 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc và quốc lộ; giai đoạn ngoài 2030, xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.

Tiến độ xây dựng của từng dự án thành phần sẽ được điều chỉnh phù hợp theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể trong từng giai đoạn.


https://soha.vn/hai-duong-de-xuat-lam-duong-vanh-dai-hon-23000-ti-dong-20220302132720895.htm

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/vi-sao-hai-duong-de-xuat-lam-duong-vanh-dai-hon-23000-ti-dong-ket-noi-voi-ha-noi-a3761.html