Việt Nam trở lại như lúc chưa có dịch

Đó là thông điệp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong ngày đầu tiên Việt Nam mở cửa biên giới, đón khách quốc tế.

Tối nay (15/3), hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả được diễn ra với sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng Đại sứ Việt Nam ở các nước, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp.

Hội nghị được tổ chức trong ngày đầu tiên Việt Nam mở cửa biên giới, đón khách quốc tế, nhằm lắng nghe ý kiến của các bên liên quan trước nhiều vấn đề vướng mắc hiện nay.

Cần có chính sách cụ thể cho từng thị trường

Đại sứ Việt Nam tại một số nước là thị trường tiềm năng đối với du lịch Việt Nam đã thông tin về những phản hồi của du khách trước việc chúng ta mở cửa.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết: “Sau 2 năm đại dịch, nhu cầu du lịch của người dân Mỹ tăng cao. Với xu hướng du lịch tại các điểm đến an toàn, đảm bảo không có thay đổi bất ngờ trong quy định, đi theo gia đình, nhóm nhỏ”.

Du khách Mỹ luôn xem Việt Nam là địa điểm du lịch hấp dẫn, ngoài ra thị trường này có số lượng lớn người Việt luôn có nhu cầu thăm thân, đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, chủ trương mở cửa du lịch chưa có hướng dẫn cụ thể về xuất, nhập cảnh, cách ly, phòng chống dịch.

“Hiện nay có rất nhiều du khách nhận được thông tin Việt Nam mở cửa ngày 15/3. Nhưng Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ chưa thể cấp visa cho du khách”, ông Dũng bày tỏ.

Chính sách - Việt Nam trở lại như lúc chưa có dịch

Hội nghị bàn đến những vấn đề quan trọng khi mở cửa đón khách

Ngoài ra, số ca nhiễm bệnh của Việt Nam còn cao, vừa qua CDC Mỹ đã nâng Việt Nam vào danh sách các nước nhóm 4 – đất nước không nên đến do dịch Covid-19. Đây là trở ngại khi du khách Mỹ lựa chọn đến Việt Nam.

Một hạn chế nữa, theo đánh giá của ông Dũng, sau thời gian dài đóng cửa, Việt Nam chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn so với các nước.

Đối với thị trường Nhật Bản, ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đánh giá: “Hiện nay, Nhật Bản vẫn chưa mở cửa hoàn toàn, khách từ Việt Nam sang Nhật Bản vẫn phải cách ly 3 ngày, điều này ảnh hưởng đến chi phí và gây mất thời gian cho du khách”.

Về phía Chính phủ Nhật Bản không khuyết khích du lịch đông người, các tour du lịch lớn chưa được triển khai mạnh, trong khi người Nhật có thói quen du lịch tập thể.

Đánh giá thị trường Nhật Bản, ông Nam cho rằng phải đến tháng 6 khi người Nhật có kỳ nghỉ dài mới có lượng lớn du khách đến thăm quan Việt Nam.

Phản ánh thông tin những vấn đề mở cửa ngày đầu tiên, ông Mai Phước Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Singapore bày tỏ: “Tôi mong muốn có đại diện Bộ Y tế tham gia hội nghị này, nguyên nhân là bởi người dân, Việt kiều Singapore rất mong chờ thông tin được quay trở lại Việt Nam.

Niềm vui kèm theo nỗi thất vọng, các hướng dẫn chỉ đạo còn quá chậm, và không có hướng dẫn về mặt y tế. Hôm nay, đã có khách quốc tế phải quay về khi ra đến sân bay vì chưa có hướng dẫn cụ thể, gây một số phản ứng tiêu cực”.

Chính sách - Việt Nam trở lại như lúc chưa có dịch (Hình 2).

Đại sứ tại các nước đã đưa ra kiến nghị quan trọng

Bây giờ là lúc đứng lên để đi

Trước những ý kiến được nêu trong hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu rõ thông điệp mở cửa của Việt Nam: “Hiện nay không chỉ mở cửa du lịch, về bản chất Việt Nam đang mở lại giao thương, giao lưu quốc tế từ ngày 15/3 như khi chưa có dịch Covid-19, kèm theo một số giải pháp kiểm soát rủi ro.

Chúng ta cần có những biện pháp tối thiểu nhất để giữ an toàn cho tất cả mọi người. Tất cả mọi người ở đây là không phân biệt không phân biệt người Việt Nam hay người nước nào trong vấn đề chống dịch”.

Theo Phó Thủ tướng, không nên thấy một số nước trên thế giới mở cửa là chúng ta cũng chạy đua để mở cửa, cần phải đưa ra lộ trình thận trọng.

Lý do tại sao lại chọn 15/3 để mở cửa du lịch, Phó Thủ tướng bày tỏ: “Không phải tuyên bố mở ngày nào là chúng ta có khách ngay mà cần quá trình phục hồi được tính bằng nhiều tháng.

Sau 2 năm chống dịch, mục tiêu hiện nay là kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không vượt ngưỡng quá tải của hệ thống y tế. Tất cả diễn biến như ngày hôm nay đều nhằm trong tính toán”.

Chính sách - Việt Nam trở lại như lúc chưa có dịch (Hình 3).

Vấn đề cách ly y tế khi đến Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nghị quyết miễn thị thực cho 13 nước hôm nay chưa mở rộng các nước, nhưng thể hiện thông điệp Việt Nam trở lại như lúc chưa có dịch.

Sau khi tiếp thu ý kiến tại hội nghị, Bộ VHTT&DL sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao thảo luận về việc bổ sung các nước miễn thị thực, nới rộng ngày, visa điện tử,…

Trước mong mỏi của doanh nghiệp và các địa phương về việc cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn cách ly y tế, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ sớm có những thông tin cụ thể.

Trưa nay (15/3), Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc miễn thị thực cho các công dân các nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa I-ta-li-a, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na-uy, Cộng hoà Phần Lan và Cộng hoà Bê-la-rút.

Nghị quyết này được ban hành sau hai năm Việt Nam dừng thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước nêu trên để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/viet-nam-tro-lai-nhu-luc-chua-co-dich-a3619.html