Đại diện TMX: Tình trạng cung không đủ cầu trên thị trường vận tải biển dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng

Gần đây, Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt container trầm trọng, đặc biệt là khu vực phía Nam. Được đánh giá là một trong những quốc gia xuất siêu, Việt Nam luôn có nhu cầu lớn về container để có thể xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác.

Trong 2 năm qua, đại dịch Covid đã liên tục làm gián đoạn lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics, dự đoán sẽ tiếp tục đem lại những hậu quả lâu dài trong thời gian tới. Tại báo cáo mới đây, phía TMX nhận định các vấn đề xảy ra với chuỗi cung cung ứng tại Việt Nam trong năm 2021 sẽ tiếp tục gây ra những tác động xấu trong năm 2022.

Trong đó, doanh nghiệp FMCG đã và vẫn đang phải tiếp tục đương đầu với những khó khăn liên quan đến chuỗi cung ứng trên trường quốc tế cũng như trong nước với mạng lưới phân phối hàng hoá chặng cuối bị đẩy đến giới hạn tối đa và áp lực từ thực trạng thiếu nhân công do hiện trạng cấm vận lâu dài. Đại dịch đặt ra những gánh nặng khi nhu cầu cung ứng gia tăng chưa từng có.

Nhưng trong thực tế, những áp lực này đã được tích tụ từ 5-10 năm gần đây, khi thế giới bước vào giai đoạn toàn cầu hóa với tốc độ phát triển vượt bậc của thương mại điện tử và nhu cầu mua hàng trong nước của người tiêu dùng Việt Nam tăng cao hơn bao giờ hết.

Theo bà Lê Thị Kim Thúy - Giám đốc Trải Nghiệm khách hàng của TMX Việt Nam: "Sự gia tăng nhu cầu vận chuyển và sự thiếu hụt phương tiện hàng không đã gây nên áp lực đáng kể cho các hãng cung cấp tàu biển. Hơn 90% đội tàu toàn cầu đang được sử dụng hết công suất để phục vụ nhu cầu hiện tại".

Nhiều container được vận chuyển với mức phí bảo hiểm rất lớn gây tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt Nam, bởi phần lớn lượng hàng xuất khẩu đường biển của Việt Nam phụ thuộc vào các hãng tàu quốc tế. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang gặp nhiều khó khăn do giá cước và phụ phí thuê container rỗng tăng cao. Các doanh nghiệp có đủ khả năng vận chuyển phải miễn cưỡng thuyết phục khách hàng trả thêm chi phí hoặc chịu lỗ chỉ để duy trì hoạt động. Thật không may, những doanh nghiệp không thể gánh vác được tổn thất này sẽ không thể vận chuyển nhiều hàng hoá như trước, dẫn tới việc mất đi thị phần và đứng trước rủi ro đánh mất khách hàng.

Tình trạng cung không đủ cầu trên thị trường vận tải biển dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, đại diện TMX nhấn mạnh. Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), giá cước của các hãng tàu quốc tế đã tăng gấp 2-3 lần, thậm chí 6-7 lần đối với một số tuyến cụ thể. Từ con số dưới 1.000 USD vào đầu năm 2020, giá cước hiện tại tăng vọt đến 8.000 USD, có những trường hợp lên đến 10.000 USD. Thực trạng này buộc một số doanh nghiệp phải hủy tàu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh các sản phẩm xuất nhập khẩu trong nước.

Hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung, các hãng tàu tận dụng cơ hội để tăng giá cước với những loại hình dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, điều này cũng làm ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại của họ với các doanh nghiệp trong nước. Những công ty FMCG Việt Nam phải liên tục tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần tốt hơn để đảm bảo hàng hoá của họ được ưu tiên vận chuyển với giá thành tốt nhất.   

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải tập trung đầu tư vào các giải pháp công nghệ tích hợp để hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, tối ưu hóa chi phí và đồng bộ hoá dịch vụ trên toàn bộ chuỗi giá trị quốc tế và nội địa.

Thiếu hụt container gây tắc nghẽn xuất khẩu

Gần đây, Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt container trầm trọng, đặc biệt là khu vực phía Nam. Được đánh giá là một trong những quốc gia xuất siêu, Việt Nam luôn có nhu cầu lớn về container để có thể xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác. Tuy nhiên, trong đỉnh điểm của làn sóng Covid lần thứ tư, hầu hết container hàng hoá được xuất khẩu sang phương Tây không thể quay về do tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng và đóng cửa biên giới. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch ngành xuất khẩu.

Hơn nữa, thực trạng không thể tự sản xuất container cũng là một trong những yếu tố bất lợi tác động đến sự thiếu hụt vận chuyển ở Việt Nam. Từ lâu, việc sản xuất container trong nước đã được nhiều doanh nghiệp nội địa nhắm tới. Tuy nhiên, các dự án đều không được triển khai hiệu quả bởi sự thiếu hụt nguồn lực và nguyên liệu thép, cơ khí.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm giải pháp tận dụng linh hoạt nguồn container hiện tại để tránh tình trạng phân phối không đồng đều. Các giải pháp công nghệ và dự báo sớm về xu hướng cung cầu của thị trường cũng là những yếu tố quan trọng cần được quan tâm.

Hậu cần chặng cuối và tác động của công nghệ

Nhu cầu mua sắm gia tăng liên tục đã mang đến những áp lực không nhỏ cho mạng lưới hậu cần chặng cuối. Các đơn đặt hàng nhỏ nhiều hơn và với tần suất cao hơn trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua khiến hệ thống thủ công phải vật lộn để bắt kịp với nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng. Các công ty đang liên tục đổi mới bằng những giải pháp tự động hoá, và những đơn vị không theo kịp chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau.

Trong thời kỳ đại dịch, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào chuyển đổi số hệ quy trình để tối ưu hóa hoạt động, giảm thiểu chi phí, tạo ra hệ thống quản lý đồng bộ và phục vụ khách hàng hiệu quả hơn. Nhiều doanh nghiệp đã gặt hái những kết quả tích cực khi vận dụng Hệ thống quản lý vận tải (TMS), Hệ thống quản lý kho hàng (WMS) và các giải pháp tích hợp và tự động hóa quy trình để cải thiện khả năng hiển thị của toàn bộ dây chuyền chuỗi cung ứng. Những công nghệ này cho phép các doanh nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên dữ liệu phân tích thời gian thực và cung cấp cho khách hàng thông tin cập nhật kịp thời về tình trạng hàng hoá.

Bên cạnh đó, những tên tuổi trong ngành thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee và Sendo, với những tuyên bố giá trị công nghệ đầy mạnh mẽ đã bước vào thị trường hậu cần chặng cuối, chạm tới cả những khu vực xa nhất của đất nước. Những công ty này đều ghi nhận sự cải thiện đáng kể về thời gian giao hàng kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại vào tháng 10 năm 2021 năm ngoái. Bên cạnh đó, các công ty hậu cần trong và ngoài nước như Vietnam Post, Viettel Post, GHN, DHL, FedEx và TNT cũng đang đẩy mạnh hơn nữa dịch vụ giao hàng chặng cuối để bắt kịp nhu cầu tăng cao của thị trường.

Trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu và các vấn đề về vận chuyển khiến 2021 trở thành một năm đầy biến cố, các doanh nghiệp FMCG sẽ đón chào năm 2022 với tâm lý bình thản và thích nghi hơn. Dù vậy, ngay cả khi đại dịch còn tiếp diễn, 2022 vẫn hứa hẹn là một năm đầy tích cực khi doanh nghiệp đã học được những bài học đáng giá về vận chuyển, cơ sở hạ tầng, giao hàng chặng cuối và các biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động doanh nghiệp.

https://cafef.vn/dai-dien-tmx-tinh-trang-cung-khong-du-cau-tren-thi-truong-van-tai-bien-du-kien-se-tiep-tuc-gia-tang-20220323223907383.chn

Bảo An

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/dai-dien-tmx-tinh-trang-cung-khong-du-cau-tren-thi-truong-van-tai-bien-du-kien-se-tiep-tuc-gia-tang-a3195.html