Cận cảnh hành trình đưa 7 cá thể hổ Đông Dương về ngôi nhà mới

Các cá thể hổ được vận chuyển bằng xe tải, mái che lợp lá cọ để chống nắng nóng, 2 bên có lỗ thông khí đảm bảo đủ thông thoáng trong quá trình di chuyển.

Tập cho hổ làm quen với lồng vận chuyển

Ngày 22/3, Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (SVW), vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An đã phối hợp với cơ quan chức năng bàn giao 7 cá thể hổ cho vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình để chăm sóc lâu dài.

Dân sinh - Cận cảnh hành trình đưa 7 cá thể hổ Đông Dương về ngôi nhà mới

Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An giải cứu các cá thể hổ.

Trước đó, vào đầu tháng 8/2021, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá thành công chuyên án vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã, giải cứu cá thể 7 hổ con từ 1-1,5 tháng tuổi đang bị các đối tượng vận chuyển từ huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An để tiêu thụ.

Sau khi giải cứu, nhằm bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, Công an tỉnh Nghệ An đã bàn giao những con hổ này cho vường quốc gia Pù Mát để tiếp nhận chăm sóc và nuôi dưỡng.

Dân sinh - Cận cảnh hành trình đưa 7 cá thể hổ Đông Dương về ngôi nhà mới (Hình 2).

 Hổ con thời điểm giải cứu.

Anh Đặng Thanh Tuấn, nhân viên chăm sóc của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, vườn quốc gia Pù Mát cho biết, hiện tại, các cá thể hổ đều khỏe mạnh, cá thể nhỏ nhất 56kg, cá thể lớn nhất 64kg. Để chuẩn bị chuyển giao, nhân viên chăm sóc đã tập cho hổ làm quen với lồng vận chuyển bằng phương pháp cho ăn trong lồng nhỏ từ cách đây 2 tháng.

“Lồng được tính toán phù hợp để có thể đưa vào chuồng nuôi dễ dàng. Hàng ngày, chúng tôi cho thức ăn vào trong góc lồng, tập cho hổ vào ăn để chúng không có cảm giác sợ hãi. Lồng cũng được dùng để kiểm tra sức khỏe, cân nặng định kỳ cho hổ”, anh Tuấn nói.

Dân sinh - Cận cảnh hành trình đưa 7 cá thể hổ Đông Dương về ngôi nhà mới (Hình 3).

 Đến nay các cá thể hổ đều khỏe mạnh.

Các cá thể hổ sẽ được vận chuyển bằng xe tải chuyên dụng, mái che lợp lá cọ để chống nắng nóng, 2 bên có lỗ thông khí đảm bảo đủ thông thoáng, tránh gió lùa quá mạnh hoặc không đủ không khí thoáng mát cho hổ.

Các lồng được buộc cố định với sàn và thành xe, tránh nghiêng, đổ lồng hoặc dịch chuyển, ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của các cá thể hổ trong quá trình vận chuyển.

Để tiếp nhận và chăm sóc 7 cá thể hổ này lâu dài, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã chuẩn bị và hoàn thiện cơ sở chuồng trại để nuôi cách ly, kiểm dịch động vật cũng như xây dựng quy trình kỹ thuật cứu hộ, khẩu phần thức ăn cho hổ đảm bảo phù hợp với tập tính sinh thái theo từng giai đoạn sinh trưởng của hổ và phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng cử cán bộ kỹ thuật đến Vườn quốc gia Pù Mát tham gia học tập kinh nghiệm nuôi hổ. Các cá thể hổ sẽ phục vụ cho mục đích du lịch và nâng cao nhận thức.

Dân sinh - Cận cảnh hành trình đưa 7 cá thể hổ Đông Dương về ngôi nhà mới (Hình 4).

 Hổ trước đó đã được làm quen di chuyển trong chuồng.

Săn bắn, buôn bán đang khiến hổ tuyệt chủng

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam cho biết, hổ trong môi trường nuôi nhốt không có hoặc đã mất khả năng săn mồi và sinh tồn ngoài tự nhiên, dẫn đến cơ hội sống khi tái thả về tự nhiên của chúng gần như bằng không.

Việc chuyển các cá thể hổ này đến những đơn vị được cấp phép với điều kiện chăm sóc tốt và cơ sở vật chất đảm bảo phúc lợi động vật chính là giải pháp tốt nhất.

“Bên cạnh việc mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho 7 cá thể hổ Đông Dương, hoạt động mở cửa cho khách tham quan chính là một nguồn lực tài chính hỗ trợ việc chăm sóc, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã”, ông Thái chia sẻ.

Dân sinh - Cận cảnh hành trình đưa 7 cá thể hổ Đông Dương về ngôi nhà mới (Hình 5).

Các cá thể hổ được vận chuyển bằng xe tải, mái che lợp lá cọ.

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc vườn quốc gia Pù Mát, cho biết thêm, trong thời gian qua, mặc dù khó khăn về điều kiện chuồng trại, nhưng đơn vị vẫn cố gắng nhận nuôi các cá thể này nhằm đảm bảo phúc lợi tốt nhất cho việc chăm sóc các cá thể hổ.

Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi dưỡng, 7 cá thể hổ phát triển tốt, tăng cân nhanh nên điều kiện tại Pù Mát không thể đảm bảo cho việc chăm sóc lâu dài. Chính vì thế, vườn quốc gia Pù Mát đã xin ý kiến của UBND tỉnh Nghệ An để chuyển giao cho vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Dân sinh - Cận cảnh hành trình đưa 7 cá thể hổ Đông Dương về ngôi nhà mới (Hình 6).

Lãnh đạo vườn Quốc gia Pù Mát hoàn tất hồ sơ chuyển giao đàn hổ cho vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

“Hổ Đông Dương thuộc danh mục loài cực kỳ nguy cấp. Nạn săn bắt, buôn bán trái phép cùng với việc suy giảm môi trường sống là những nguyên nhân chính đẩy loài hổ này đến bờ vực tuyệt chủng. Lần cuối cùng Việt Nam ghi nhận cá thể hổ Đông Dương ngoài tự nhiên là cách đây hơn 20 năm”, ông Cường nói.

Vườn Quốc gia Pù Mát được chuyển hạng từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Mát thành Vườn quốc gia theo Quyết định số 174/2001/QĐ-TTg ngày 08/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Pù Mát là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, với tổng diện tích rừng đặc dụng: 94.715,4 ha và tổng diện tích vùng đệm: 86.000 ha. Vườn quốc gia Pù Mát có tầm quan trọng đa dạng sinh học lớn và là nơi lưu giữ nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được ưu tiên bảo tồn.

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/can-canh-hanh-trinh-dua-7-ca-the-ho-dong-duong-ve-ngoi-nha-moi-a3032.html