Báo cáo e-Conomy 2021 của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, có đến 71% người Việt đã thực hiện ít nhất một giao dịch trực tuyến trong năm 2021.
Thương mại điện tử trở thành xu thế kinh doanh của thương mại toàn cầu, mà Việt Nam không ngoại lệ. Với quy mô 13 tỷ USD năm 2021, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng thứ tư tại Đông Nam Á, được dự đoán sẽ giữ ngôi "á vương" tại khu vực, với quy mô 39 tỷ USD vào năm 2025.
Trong bối cảnh thương mại điện tử là trợ lực không thể thiếu cho doanh nghiệp để bứt phá, tìm đường ra biển lớn, hội thảo "Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bình thường mới" đã được tổ chức ngày 22/3, nhằm gia tăng hiểu biết về pháp luật, kiến thức kinh doanh, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp về triển khai thương mại điện tử. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan chủ Dự án.
Tại hội thảo, đại diện các sàn TMĐT, cơ quan quản lý, doanh nghiệp cùng bàn về cơ hội, rào cản của kinh doanh TMĐT Việt Nam hiện nay.
4 vấn đề khi làm việc trên sàn TMĐT
Bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh khu vực Hà Nội sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, TMĐT là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam từ nay đến năm 2025.
Bà Thư cho biết thêm, khi làm việc, trên sàn TMĐT có nhiều vấn đề, xoay quanh bốn nội dung lớn: kinh doanh đa sàn cần hiểu rõ cơ chế từng sàn; thứ hai là hiểu thị trường (ngách, mảng, đối thủ); ba là cần xây chiến lược ngắn lẫn dài hạn; cuối cùng là cần đầu tư dài hạn.
Đầu tiên, bà Thư cho rằng khi mới tiếp cận các doanh nghiệp thường chọn một sàn vì họ có tâm lý e ngại chưa biết hướng phát triển, chưa quen. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh doanh nghiệp nên kinh doanh đa sàn vì mỗi sàn có ưu thế, tập khách hàng, chính sách hỗ trợ riêng. "Như Shopee có khách hàng lớn, giá rẻ, cách vận hành mở. Còn Tiki khách hàng tầm trung, có yếu tố phức tạp hơn nhưng đảm bảo độ tin cậy. Khi kinh doanh đa sàn mình sẽ tận dụng tiềm năng doanh nghiệp và lợi thế từ sàn để tối ưu hiệu quả", bà Thư nói.
Thứ hai, các doanh nghiệp mới lên sàn hay vội vàng mà quên phải tìm hiểu thị trường đối thủ. "Mình cần biết đối thủ là ai, đang có độ lớn và cách thức vận hành thế nào, từ đó so sánh để phát huy điểm mạnh bản thân", bà cho hay.
Thứ ba cần xây dựng tập khách hàng mới, có thể từ offline chuyển sang và đồng thời tiếp cận tập khách hàng sẵn có trên các kênh online. Khi xây dựng niềm tin từ người dùng, tốc độ phát triển mua sắm sẽ tăng theo. Tiếp theo là tận dụng cơ hội từ các chiến dịch quảng cáo - đặc trưng của các sàn.
Ngoài việc khai thác tiềm năng tử sàn thì cần hiểu đây là câu chuyện hỗ trợ hai bên, doanh nghiệp cần đầu tư lượt tiếp cận ngoài sàn, marketing... Các sàn có công cụ nhà bán hàng B2B và C2C để các doanh nghiệp vận hành chủ động vận hành như: voucher cho người theo dõi, chăm sóc người dùng...
Bà Thư cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp không cần quá lo lắng vì các sàn có kế hoạch phát triển, hỗ trợ cho mọi doanh nghiệp. Chiến lược này cũng phù hợp doanh nghiệp phát triển sẵn trên sàn, giúp doanh nghiệp nhìn ra những thiếu sót để củng cố chiến lược.
"Xu hướng phát triển TMĐT là không thể đảo ngược"
Tại hội thảo, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ câu chuyện TMĐT xuyên biên giới, giới thiệu điều kiện tham gia và kỹ năng kinh doanh nhằm giúp các doanh nghiệp thành công khi tham gia. Theo ông Toàn, các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội.
Ông Toàn nhận định xu hướng phát triển TMĐT là không thể đảo ngược. Trong khi bán lẻ toàn cầu giảm do Covid-19 thì bán lẻ qua TMĐT lại tăng. Các con số thống kê và dự báo từ năm 2019 đến 2024 cho thấy TMĐT xuyên biên giới tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Tổng doanh số bán lẻ tăng bình quân hàng năm tăng 3,8%; Tăng trưởng doanh số bán lẻ qua TMĐT tăng 15%, tỉ trọng của TMĐT trong tổng doanh số bán lẻ tăng 23,4%.
Theo ông, top 5 mặt hàng làm nên sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử toàn cầu là thời trang và phụ kiện, điện tử dân dụng, đồ chơi và sở thích cá nhân, nội thất và đồ gia dụng, thực phẩm và chăm sóc cá nhân. Ông Toàn cho rằng trừ điện tử dân dụng, 4 ngành hàng còn lại rất tiềm năng với Việt Nam.
Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cho biết TMĐT xuyên biên giới sẽ xóa bỏ sự phức tạp của phương thức xuất khẩu truyền thống và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu.
"Nếu xuất khẩu truyền thống sẽ đi từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu, rồi đến nhà nhập khẩu, tiếp theo sẽ là nhà phân phối, sau đó mới đến nhà bán lẻ trước khi đến tay người tiêu dùng thì TMĐT xuyên biên giới rút ngắn quãng đường, đi từ chủ thương hiệu hay nhà sản xuất qua nền tảng thương mại điện tử như Amazon và tới người tiêu dùng", ông nói.
Theo ông, TMĐT giúp loại bỏ trung gian sẽ giảm chi phí và tăng lợi nhuận, kiếm soát được thị trường và vòng đời của sản phẩm. Các doanh nghiệp thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới có thể tự định giá thương hiệu của mình.
TMĐT mở rộng về thị trường địa phương
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã tham dự hội thảo và có những chia sẻ về thực trạng TMĐT tại Việt Nam và cơ hội cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới.
Theo bà Lê Thị Hà, thời gian vừa qua, Covid-19 khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. TMĐT không nằm ngoài sự tác động này. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội riêng cho những doanh nghiệp áp dụng được chuyển đổi số.
Trong Covid-19, TMĐT vẫn tăng trưởng, một điều tra với 47 quốc gia trải dài từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021 cho thấy tỉ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch, khoảng 14,9%, trước thời điểm đó (2019) chỉ là 10,3%. "Những con số này cho thấy dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung, nhưng TMĐT vẫn là bức tranh lạc quan từ thực tế chúng ta nhìn thấy ở đỉnh dịch", bà Hà nói.
Bà Hà cho biết thêm, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vẫn có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương có khảo sát thực tế và thấy đối tượng khách hàng mở rộng cho doanh nghiệp hiện rất rộng, từ hành vi tiêu dùng (hơn 81% người tiêu dùng có thói quen thay đổi hành vi mua sắm khi đại dịch bùng phát và hơn 90% cho rằng sẽ tiếp tục mua sắm), cho tới sự tăng trưởng khách hàng. Số lượng khách hàng cũng mở rộng ra ngoài phạm vi thành thị. Lượng người bán tăng đột biến từ những đơn vị phi thành thị, tăng khoảng 40% năm 2021.
Bà Hà cho biết, một cơ hội khác cho doanh nghiệp là mặt hàng tiêu dùng hiện nay đa dạng, ngoài mỹ phẩm thời trang, còn có sản phẩm tươi sống, đồ ăn nhanh.
Một yếu tố nữa là xu hướng tất yếu của TMĐT là thanh toán điện tử, đang hỗ trợ người bán và mua. Hàng năm 80% người mua chuộng thanh toán tiền mặt, nhưng hiện nay hình thức thanh toán ví điện tử ngày càng phổ biến. Theo một số liệu của các sàn lớn, thì hình thức này sẽ ngày càng chiếm ưu thế vì hiện có nhiều chương trình khuyến mại, voucher giảm giá để thu hút người tiêu dùng, bên cạnh đó là tính tiện lợi, nhanh chóng, an toàn...
Mua bán qua mạng xã hội cũng ngày càng chiếm ưu thế, đây không còn là hình thức đối phó thời dịch bệnh mà gắn liền với cuộc sống của người tiêu dùng. Nên thời gian vừa qua Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ để có những quy định phù hợp để điều chỉnh với hoạt động TMĐT trên mạng xã hội.
"Các yếu tố khác như sự thay đổi trong nguồn nhân lực, hạ tầng chính sách, hạ tầng internet cũng đang tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bứt phá trong bối cảnh dịch Covid-19", bà Hà nói thêm.
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/thuc-day-thuong-mai-dien-tu-mo-rong-ve-thi-truong-dia-phuong-a2996.html