Nhằm phát triển cộng đồng và mong muốn mang tới cho các em thiếu nhi, học sinh người đồng bào tại các buôn làng, điểm trường vùng sâu, vùng xa có một sân chơi giáo dục phát triển trí tuệ toàn diện, thời gian qua, nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương, cùng doanh nghiệp xã hội Bồ Công Anh (Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tích cực vận động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng và triển khai dự án Sân chơi cho em.
Sau một thời gian thực hiện, đến nay đã có 6 công trình Sân chơi cho em được thực hiện, trao tặng cho các buôn làng, điểm trường vùng sâu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, với kinh phí 30 triệu đồng/sân chơi.
Theo đó, sân chơi đầu tiên của dự án hình thành tháng 3/2021 dành tặng 80 em nhỏ dân tộc Bana, xã Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Sân chơi thứ 2 tại thôn 4 xã Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk tặng gần 200 học sinh mầm non, tiểu học người đồng bào H’Mông.
Sân chơi thứ 3 tại buôn Krue, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk dành cho 80 em nhỏ dân tộc Ê Đê. Sân chơi thứ tư tại buôn đồng bào Dao, thôn Đại Thành, xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar dành tặng 100 học sinh mầm non và tiểu học dân tộc Dao. Sân chơi thứ 5 tại Trường tiểu học Yang Mao, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tặng cho 92 học sinh dân tộc M’Nông.
Mới đây, Sân chơi cho em tại sân bóng buôn K’mơng Prông A, xã Ea Tu, Tp.Buôn Ma Thuột vừa được hoàn thành, dành tặng 200 em nhỏ dân tộc Ê Đê trong buôn và các buôn lân cận.
Sân chơi được tổ chức các trò chơi liên hoàn gồm tháp tam giác, 1 cầu ziczac, 1 cầu trượt gỗ, 6 bậc nhảy, 1 xích đu 2 chỗ, 2 cầu thăng bằng và 30 lốp xe trang trí. Ngay khi hoàn thành, sân chơi này đã thu hút nhiều em nhỏ dân tộc Ê Đê quanh khu vực đến trải nghiệm, nô đùa với nhau trong tiếng vui cười giòn tan.
Em H’Măng Byă, 11 tuổi, trú tại buôn K’mơng Prông A, xã Ea Tu chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được chơi các trò chơi này.
Trước đây, ngoài giờ học, em thường theo ba mẹ lên rẫy, phụ giúp gia đình làm việc nhà hoặc cùng các bạn chơi đuổi bắt ngoài sân bóng của buôn. Giờ có sân chơi, nhiều trò bổ ích, cùng một lúc có thể chơi đông người, em rất thích. Do đó, cứ có thời gian rảnh hoặc học bài xong, em lại rủ bạn cùng ra chơi”.
Tương tự, em H’Nương Knul, 6 tuổi, trú cùng buôn cho hay: “Trường em cũng có sân chơi nhiều màu sắc, nhiều trò chơi lắm, nhưng chỉ được chơi khi đi học thôi. Lâu rồi không đi học (do dịch bệnh Covid-19 kéo dài - PV), chiều nào em cũng ra sân bóng đá với các bạn. Bây giờ, buôn có sân chơi, em rất vui vì được trải nghiệm các trò bổ ích”.
Ngoài việc tổ chức các trò chơi, tại mỗi điểm sân chơi, dự án còn dành tặng một tủ sách cộng đồng, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời hoặc bồn đựng nước để phục vụ các em nhỏ ở các điểm này.
Anh Phạm Ngọc Duy, Bí thư Đoàn xã Ea Tu, Tp.Buôn Ma Thuột cho biết: “Đây là lần đầu tiên xã có sân chơi thiếu nhi, thư viện cộng đồng. Sân chơi rất bổ ích cho các cháu thiếu nhi người đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn K’mơng Prông A và các buôn lân cận.
Qua đó, không chỉ giúp cho các cháu được vui chơi, giải trí, sáng tạo mà còn góp phần ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực từ các trò chơi điện tử, game trên mạng. Ngoài ra, việc được trang bị tủ sách cộng đồng còn góp phần hình thành văn hóa đọc cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số”.
Anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp xã hội Bồ Công Anh cho biết: “Chúng tôi thực hiện dự án “Sân chơi cho em” với quan điểm trẻ em nơi đâu cũng xứng đáng được hưởng những lợi ích và điều kiện phát triển tốt nhất. Do đó, hãy để cho trẻ được chơi, được trải nghiệm, được sáng tạo, được ước mơ. Đồng thời, thực hiện dự án này, chúng tôi mong muốn giáo dục cho trẻ thông qua trải nghiệm.
Theo đó, khu trò chơi liên hoàn tạo nên một tổ hợp các trò chơi hoàn hảo giúp trẻ sáng tạo, tăng cường vận động tinh thần và thể chất, khám phá thế giới xung quanh, tiếp xúc với bạn bè, từ đó giúp trẻ hình thành kỹ năng giao tiếp cơ bản rất tốt.
Mặt khác, giúp trẻ nhanh nhẹn hơn trong việc xử lý tình huống hàng ngày và từ đó cũng hạn chế tiếp xúc với Smart Phone. Đặc biệt, các sân chơi này cũng đang góp phần tạo động lực để trẻ em tích cực đến trường”.
Theo anh Tuấn, trong năm 2022, sẽ có 10 sân chơi được triển khai thực hiện và trao tặng cho các buôn làng, điểm trường vùng sâu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/mang-san-choi-giao-duc-den-voi-tre-em-buon-lang-vung-sau-a2895.html