Phản ứng đối lập của các doanh nghiệp vận chuyển trước tình hình xăng tăng giá

Giá xăng tăng liên tục trong vài tháng gần đây – đặc biệt là từ sau khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, đã khiến cho ngành logistics Việt gặp muôn ngàn khó khăn.

Dù không muốn, xong để sống sót, các công ty vận chuyển như Grab đã phải tăng giá. Tuy nhiên, trên cái nền xám xịt đó, vẫn có những doanh nghiệp ‘chơi ngông’ khi thông báo giảm giá cước, tiêu biểu như Tiki.

Giá dầu leo thang chóng mặt do xung đột Nga – Ukraine

Giá xăng dầu đang là một trong những tiêu điểm nóng trên truyền thông thế giới cũng như Việt Nam. Diễn biến giá dầu leo thang dữ dội và không ai biết khi nào mới dừng lại, khi mà tình hình xung đột Nga – Ukraine vẫn đang rất căng thẳng.

Cụ thể hơn: Kể từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng dầu cả thế giới và Việt Nam đã tăng khoảng 50% - từ khoảng 15.000 đồng lít lên gần 30.000 đồng/lít. Đơn cử như RON96, tháng 1/2021 nó có giá khoảng gần 17.000 đồng/lít, đến gần cuối tháng 10/2021, nó tiến lên cột mốc hơn 24.000 đồng/lít.

Ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, thực chất sự leo thang của giá thế giới hiện nay đã ‘thoát ly’ khỏi quy luật cung cầu, và tăng chủ yếu do yếu tố địa chính trị, căng thẳng Nga - Ukraine. Sau khi Nga đánh Ukraine vào cuối tháng 2, giá dầu bắt đầu tăng vọt, từ 26.830 đồng/lít từ đầu tháng 3 đến gần 30.000/lít giữa tháng 3.

Lý do của việc tăng giá đột biến này: Nga xuất khẩu khoảng 7,8 triệu thùng/ngày - trong đó có khoảng 5 triệu thùng/ngày là dầu thô, đứng đầu thế giới. Nga cũng sản xuất 638 tỷ mét khối/năm khí đốt - đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ và xuất khẩu khoảng 200 tỷ mét khối mỗi năm.

Dù phương Tây – cụ thể là châu Âu và Mỹ đang cấm vận toàn diện kinh tế Nga, nhưng lo ngại nguy cơ khủng hoảng nhiên liệu thế giới, cả hai vẫn chưa cấm vận ngành dầu khí Nga.

Còn theo ông Trần Quốc Hùng – CEO của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ở Washington DC, cựu Phó Giám đốc Ban Thị trường vốn và tiền tệ của IMF, nếu biện pháp cấm vận dầu khí Nga được phương Tây ban hành, giá dầu có khả năng tăng lên 150-200 đô la/thùng. Vài ngày gần đây, giá dầu thô thế giới trung bình khoảng từ 100 USD/thùng đến 110 USD/thùng.

Phản ứng đối lập của các doanh nghiệp vận chuyển trước tình hình xăng tăng giá - Ảnh 1.

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang làm giá dầu cả thế giới lẫn Việt Nam ngày càng leo thang. Ảnh: VOX

Các hãng xe công nghệ đồng loạt tăng giá

Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, chi phí cho xăng dầu chiếm tới 40% trong cơ cấu giá cước vận tải. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên, khi rất nhiều hãng xe công nghệ như Grab, Be và GoJek đồng loạt tăng giá.

Grab đã thông báo tăng cước tất cả các dịch vụ từ 10/3. Họ sẽ tăng giá 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP.HCM lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Cả hai mức này tăng 2.000 đồng so với biểu giá cũ. Grab cũng tăng giá mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này lên 10.000 đồng, tăng 500 đồng.

Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000-2.500 đồng cho 2km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.

Vài ngày sau, GoJek cũng tuyên bố sẽ tăng giá các dịch vụ của mình từ 14/3.

Tại Hà Nội: giá cước tối thiểu cho các chuyến xe GoRide tăng lên 13.000 đồng và tăng thêm mức 700 - 1.600 đồng cho mỗi km tiếp theo cho các chuyến xe từ 2 - 4km. Các chuyến xe trên 4km có mức tăng thêm 200 - 1.200 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá tối thiểu của dịch vụ giao đồ ăn GoFood tại Hà Nội cũng tăng thêm 1.000 đồng, từ 15.000 đồng lên 16.000 đồng.

Tại TP.HCM: cước phí tối thiểu cho 2km đầu tiên của dịch vụ xe ôm công nghệ điều chỉnh lên 11.000 – 13.000 đồng và tăng từ 500 - 900 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá tối thiểu của dịch vụ GoFood tăng thêm 1.000 đồng so với bảng giá cũ trước đó.

Tiki một mình đi ngược dòng

Ngược lại, thay vì theo chúng bạn đề nghị được tăng giá, thì Tiki ‘chơi ngông’ giảm giá dịch vụ vận chuyển của bản thân.

Theo đó, Tiki vừa mới chính thức ra mắt biểu giá vận chuyển mới, áp dụng từ 8/3/2022. Theo đó, biểu phí mới của sàn được điều chỉnh thấp hơn 40% so với biểu phí cũ.

Phản ứng đối lập của các doanh nghiệp vận chuyển trước tình hình xăng tăng giá - Ảnh 2.

Biểu phí mới của Tiki

Cụ thể hơn: Tiki lấy 10.000 đồng/3kg đầu tiên khi vận chuyển nội đô và thêm 1.500 đồng cho mỗi 0,5kg tiếp theo; 17.000 đồng/3kg đầu tiên trong nội vùng và cộng thêm 2.000 đồng cho mỗi 0,5kg tiếp theo. TikiNow 2h giờ có giá 19.000 đồng/3kg đầu tiên, thêm 2.000 đồng cho mỗi 0,5 tiếp theo; TikiNow Giao Trong Ngày giá 14.000 đồng/3kg đầu tiên, thêm 1.500 đồng cho mỗi 0,5kg tiếp theo.

Đây là mức phí vận chuyển vô cùng cạnh tranh ở thời điểm hiện tại trên thị trường giao vận của ngành TMĐT – nếu không nói là đang rẻ nhất nếu so với các sàn còn lại, đặc biệt sau khi sàn TMĐT Lazada chính thức tăng 50% phí cước kể từ 15/3 vừa rồi.

Minh chứng: nếu giao nội thành trong 3 thành phố lớn là Hà Nội – TP.HCM và Đà Nẵng, từ 2kg đến 4kg, Lazada lấy mức phí từ 20.900 đồng đến 30.700 đồng; nội vùng khu vực Nam bộ có giá từ 43.800 đồng đến 73.100 đồng.

Ông Nguyễn Phúc Trọng – Quản lý Phân tích Dữ liệu Tiki cho biết: "Đây là một trong những mức phí vận chuyển rẻ nhất trên thị trường hiện tại. Giao hàng nhanh với mức phí vận chuyển tối ưu luôn nằm trong cam kết dài hạn của Tiki với khách hàng. Chúng tôi luôn nỗ lực tìm mọi cách để hiện thực hóa cam kết đó thông qua việc đầu tư hàng chục triệu đô la hằng năm để xây dựng hệ thống logistics, phát triển công nghệ & nguồn nhân lực."

"Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao gây áp lực cho khách hàng, đối tác và nhà bán, Tiki hy vọng việc giảm phí vận chuyển lần này có thể san sẻ một phần gánh nặng, góp phần chung tay bình ổn giá thị trường, đem lại các giá trị thiết thực cho người tiêu dùng Việt Nam", ông Trọng nói thêm.

Tất nhiên là cả người bán lẫn người mua của sàn Tiki cực kỳ hoan nghênh động thái này của họ.

"Trước đây, tôi hay ưu tiên mua trên sàn Shopee vì giá cả phải chăng, nhiều nhà bán hàng và hàng được giao nhanh giá tốt. Nhưng sau khi Shopee thay đổi chính sách đã có rất nhiều bất cập xảy ra, khiến tôi không còn hứng thứ mua sắm trên này nữa.

Trước kia, tôi cả Lazada và Tiki, nhưng với số lượng đơn hàng cũng như giá trị không bằng Shopee. Nhưng sắp tới, có thể ngược lại. Đặc biệt, khi tôi thấy Tiki vừa thông báo giảm giá cước khá sâu. Trước đây, dù muốn mua hàng trên Tiki để ủng hộ hàng Việt, nhưng vì nhiều lý do – như giá cước chưa cạnh tranh, khiến tôi vẫn còn ngại ngừng", chị Khánh Triều (sinh 1992) – nhân viên văn phòng ở Thủ Dầu Một – Bình Dương cho hay.

https://cafef.vn/phan-ung-doi-lap-cua-cac-doanh-nghiep-van-chuyen-truoc-tinh-hinh-xang-tang-gia-20220321172211635.chn

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/phan-ung-doi-lap-cua-cac-doanh-nghiep-van-chuyen-truoc-tinh-hinh-xang-tang-gia-a2855.html