Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa nếp tăng mạnh, cà phê tiếp tục tăng

Trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định, riêng lúa nếp có sự tăng giá mạnh.

Tại An Giang, hầu hết các loại lúa đều có giá ổn định so với tuần trước. Cụ thể: Lúa tươi IR 50404 ở mức từ 5.600-5.800 đồng/kg; Đài thơm tám từ 5.800-6.000 đồng/kg; OM 5451 từ 5.700-5.800 đồng/kg; OM 18 là 5.700-5.800 đồng/kg.

Riêng lúa nếp có sự tăng giá khá tốt. Lúa nếp tươi ở mức từ 5.800-5.900 đồng/kg, tăng 450 đồng/kg; nếp Long An tươi từ 5.600-5.800 đồng/kg, tăng 350 đồng/kg.

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.000-12.000 đồng/kg.

Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ Đông Xuân 2021-2022 gần 1,6 triệu ha, giảm 18.200 ha; năng suất ước đạt 7,2 tấn/ha; sản lượng ước đạt 11,3 triệu tấn, giảm 87.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2020 – 2021. 

Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 15.000 ha; năng suất ước đạt 7,25 tấn/ha.

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, do được dự báo trước từ đầu vụ bên cạnh việc thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa nổi bật đã đem lại hiệu quả về kinh tế và thay đổi nhận thức của nông dân trong chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng an toàn và giảm giá thành nên dù đầu tư ít giống và phân bón nhưng năng suất lúa vẫn đạt cao.

Vụ Hè Thu năm 2022, toàn vùng Nam bộ sẽ gieo sạ 1,6 triệu ha lúa; trong đó, Đông Nam bộ gieo sạ 84.000 ha và Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 1,5 triệu ha. Tiến độ xuống giống lúa vụ Hè Thu 2022 đến ngày 20/3 ước đạt 305 nghìn ha, đạt 20% kế hoạch.

Trong cơ cấu giống lúa vụ Hè Thu, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương cần ưu tiên các giống chủ lực như: nhóm giống lúa chủ lực trắng trong, hạt dài chiếm 60%, giống thơm đặc sản từ 15-20%, giống lúa nếp không được vượt quá 10%. 

Về xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tuần qua đã tăng lên mức cao nhất của ba tháng rưỡi do nhu cầu ổn định và chi phí vận chuyển tăng. Điều này đã khiến một số thương nhân không muốn ký hợp đồng mới.

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 415-420 USD/tấn hôm 17/3, so với mức từ 410-415 USD một tuần trước.

Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đã ban hành lệnh hạn chế tạm thời đối với nhập khẩu ngũ cốc từ Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái, giữa bối cảnh mùa màng trong nước bội thu.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm nhẹ xuống từ 410-428 USD/tấn từ mức từ 415-428 USD/tấn của tuần trước và cũng là mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2021.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng thấp từ nước ngoài hầu như không có, ngoại trừ các hoạt động xuất khẩu sang Iraq.

Giá gạo 5% tấm tại Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được báo ở mức 371-378 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước, do nhu cầu đối với nguyên liệu dùng làm thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đồng loạt giảm trong phiên giao dịch ngày 18/3, dẫn đầu là lúa mì.

Tiêu dùng & Dư luận - Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa nếp tăng mạnh, cà phê tiếp tục tăng

Giá các mặt hàng nông sản trên Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đồng loạt giảm trong phiên giao dịch ngày 18/3, dẫn đầu là lúa mì. 

Cụ thể, kết thúc phiên này, giá ngô giao tháng 5/2022 giảm 12,75 xu Mỹ (1,69%) xuống 7,4175 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 5/2022 giảm 34,25 xu Mỹ, (3,12%) xuống 10,6375 USD/bushel.

Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 5/2022 cũng hạ 0,5 xu Mỹ (0,03%), xuống 16,68 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Theo Báo Tin tức, giới thương nhân đang do dự ký các hợp đồng mua bán mới, một phần do họ ngại về những biến động gần như không thể kiểm soát được xung quanh khu vực Biển Đen trong hai ngày cuối tuần.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago nhận định biến động giá sẽ trở nên trầm trọng hơn do tâm lý muốn dừng lại quan sát thị trường.

Ngoài những tác động địa chính trị, yếu tố thời tiết cũng đóng vai trò quyết định. Dự trữ ngũ cốc và hạt dầu trên toàn cầu sẽ thấp hơn nếu khu vực Bắc Bán Cầu không đạt sản lượng kỷ lục trong mùa Hè này. Ngoài ra, chất lượng mùa màng ở khu vực Nam Mỹ trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 2 cũng rất quan trọng.

Giao dịch bất ổn trên thị trường nông sản diễn ra vào thời điểm Bộ Nông Nghiệp Mỹ công bố kế hoạch gieo trồng và các số liệu về dự trữ lương thực hôm 1/3. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với cán cân cung và cầu ngũ cốc toàn cầu trong dài hạn là liệu xuất khẩu ở khu vực Biển Đen có được nối lại vào nửa cuối năm 2022 hay không.

Thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Giá loại giao ngay tháng 5/2022 tăng 28 USD, lên 2.167 USD/tấn và giá loại giao tháng 7/2022 tăng 23 USD, lên 2.136 USD/tấn. Đây là những mức tăng rất đáng kể, trong khi khối lượng giao dịch duy trì rất thấp dưới mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Giá loại giao ngay tháng 5/2022 tăng 3,95 xu Mỹ, lên 220,05 xu/lb và giá loại giao tháng 7/2022 tăng 3,65 xu, lên 219,65 xu/lb, đều là các mức tăng khá mạnh với khối lượng giao dịch trên mức trung bình. (1 lb = 0,4535 kg).

Tiêu dùng & Dư luận - Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa nếp tăng mạnh, cà phê tiếp tục tăng (Hình 2).

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. 

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 400 – 500 đồng, lên dao động trong khung  41.000 – 41.600 đồng/kg.

Giá cà phê hưởng lợi khi dòng vốn đầu cơ quay trở lại và giá vàng tiếp tục sụt giảm trước tin đồn Nga sẽ xả kho vàng dự trữ để cứu tỷ giá đồng ruble lao dốc do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên theo chuyên gia tư vấn của ngân hàng Rabobank,  thị trường cà phê sẽ sớm chịu sức ép khi các báo cáo cho thấy lượng tồn kho tại sàn giao dịch ICE US – New York đã vượt ngưỡng tâm lý và các nước sản xuất cà phê Robusta chính như Brazil và Indonesia bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới năm nay.

Trong khi đó, khả năng giá trung bình tại London sẽ về dưới mức 1.900 USD/tấn là không loại trừ do tiêu thụ sụt giảm vì dịch bệnh Covid-19 và các căng thẳng địa chính trị.

Xuất khẩu gạo sẽ sôi động hơn vào cuối tháng 3/2022

Dù chưa có số liệu cụ thể song theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong 2 tuần trở lại đây các đơn hàng xuất khẩu của họ đang tăng lên. Trao đổi với Báo Công Thương, ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho biết, gần đây hai thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đang đẩy mạnh thu mua sau khi thu hoạch mùa vụ và cân đối sản lượng của họ.

“Việc này đang tác động tích cực tới xuất khẩu gạo nói chung của Việt Nam, riêng công ty chúng tôi dù chỉ xuất khẩu gạo thơm Nhật sang Philippines song tín hiệu thị trường tại đây rất khả quan khi nhà nhập khẩu đặt hàng tăng lên rõ rệt”, ông Có nói.

Là một trong những doanh nghiệp có lượng gạo xuất khẩu đều đặn trong những ngày qua. Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - cho hay, hiện doanh nghiệp này đang tiếp tục thu mua và đóng gói cho đơn hàng 15.000 tấn gạo 100% tấm qua thị trường Hàn Quốc.

Ngoài thị trường Hàn Quốc, ông Bình cho biết việc xuất khẩu gạo sang EU cũng tiếp tục có nhiều triển vọng do tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo đó, nếu như năm ngoái doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu khoảng 100 container gạo ST 24, 25… thì năm nay dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi. Về giá xuất khẩu, ông Bình cho biết với gạo ST 24 vẫn ở mức khoảng 1.000 USD/tấn.

Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV cho hay, gần đây các thị trường truyền thống của Phước Thành IV hỏi mua khá nhiều, tuy vậy thời điểm hiện tại giá xuất khẩu chưa thực sự tốt nên doanh nghiệp chưa vội ký kết đơn hàng mà chỉ đẩy mạnh tăng mua trong nước để dự trữ. Cũng theo ông Thành, gần đây xuất khẩu gạo tấm và phụ phẩm của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tăng, giúp công ty cũng như người dân bán phụ phẩm có giá tốt hơn.

Liên quan đến vấn đề phụ phẩm xuất khẩu tăng, theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nhu cầu gạo tấm từ Trung Quốc đang tăng cao bất thường trong những ngày gần đây. Một nguyên nhân quan trọng là do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung ngô và lúa mì. Giá 2 loại ngũ cốc này tăng vọt xuất phát từ căng thẳng gia tăng xung quanh khu vực Biển Đen trong những tuần gần đây.

“Khi một thị trường lớn như Trung Quốc tăng thu mua sẽ đẩy cầu ở mức cao và không chỉ phụ phẩm mà các loại gạo khác cũng sẽ được đẩy mạnh thu mua nhiều hơn. Dự kiến trong 2 tuần tới trở đi xuất khẩu gạo sẽ sôi động hơn và giá có thể tốt hơn”, ông Thành chia sẻ. 

Việc xuất khẩu gạo bắt đầu nhộn nhịp hơn sau thời gian chững lại đang tác động tích cực tới thị trường lúa gạo trong nước. Theo bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An, giá thu mua tại ruộng với các loại lúa ST24, ST25, Đài thơm 8 và phụ phẩm như cám hiện đều tăng ít nhất 400 đồng/kg so với cuối tháng 2/2022. Không chỉ giá nội địa mà ngay cả giá xuất khẩu gạo đồ các loại của Việt Nam cũng tăng trên 15 USD/tấn so với thời điểm ngay sau tết. Cụ thể, gạo đồ 5% tấm hiện được bán giá 418 USD/tấn, loại 25% tấm là 393 USD/tấn và 100% tấm ở mức 338 USD/tấn. Mức giá này so với năm ngoái vẫn còn thấp song có thể sẽ tăng thêm trong những ngày tới.

Mặc dù tín hiệu thị trường đang tốt lên song các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đứng trước bài toán chi phí đầu vào tăng cao họ đang ở thế khó và buộc phải tìm mọi cách để cân đối chi phí. Chẳng hạn chỉ với riêng phí hạ tầng cảng biển, ông Thành cho biết kể từ ngày 1/4 cứ mỗi container hàng từ Vĩnh Long lên mở tờ khai ở Tp.Hồ Chí Minh sẽ phải mất thêm ít nhất 500.000 đồng, chưa kể cước tàu biển và cước container vẫn chưa hạ nhiệt, tạo áp lực quá lớn cho doanh nghiệp.

Hương Anh (tổng hợp) 

 

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/thi-truong-nong-san-tuan-qua-gia-lua-nep-tang-manh-ca-phe-tiep-tuc-tang-a2764.html