Ban hành chương trình phòng chống dịch Covid-19

Chương trình được diễn ra trong thời gian 2 năm với nhiều mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.

Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành tại Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022.

Chương trình này được thực hiện trong thời gian 2022 - 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Mục tiêu cụ thể của chương trình là bảo đảm đạt tỉ lệ bao phủ phòng Covid-19: Đến hết quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 02 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 03 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm.

Bảo đảm đủ vắc-xin và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước 9/2022.

Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỉ lệ tử vong do Covid-19 /1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của Châu Á.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Chính sách - Ban hành chương trình phòng chống dịch Covid-19

Vắc-xin vẫn là phương pháp hữu hiệu để phòng chống dịch

Nâng cao tỉ lệ tiêm vắc-xin

Triển khai việc tiêm vắc-xin bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tăng cường vận động người dân tiêm vắc-xin, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người (bao gồm cả người bệnh đến khám tại cơ sở y tế) để tránh bỏ sót.

Khẩn trương hoàn thành trong Quý I/2022 việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm;

Tổ chức triển khai tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay khi có vắc-xin. Khẩn trương nghiên cứu tiêm vắc-xin mũi thứ 4 cho người lớn và mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi.

Đẩy mạnh công tác dự báo và giám sát

Chính phủ yêu cầu tăng cường giám sát phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vắc-xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.

Thực hiện phù hợp, kịp thời, khoa học và hiệu quả công tác xét nghiệm phát hiện các trường hợp nhiễm; thiết lập cơ sở dữ liệu dịch tễ học phục vụ cho công tác dự báo và giám sát.

Tiếp cận sớm với các thuốc điều trị đặc hiệu Covid-19; đồng thời tạo mọi điều kiện thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất, chuyển giao công nghệ, gia công thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam; bảo đảm chủ động được những loại thuốc cơ bản đáp ứng yêu cầu điều trị sớm.

Thiết lập hệ thống theo dõi sức khỏe thông qua y tế cơ sở và thầy thuốc đồng hành (hỗ trợ qua điện thoại hoặc internet…)

Bảo đảm cơ cấu hợp lý đội ngũ nhân lực là bác sĩ và điều dưỡng có đủ năng lực về hồi sức cấp cứu; nâng cao năng lực cho các lực lượng trong ngành y tế, lực lượng tại địa phương, lực lượng huy động tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt là cán bộ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở; nghiên cứu chế độ đặc thù, ưu đãi với các lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch.

Chính sách - Ban hành chương trình phòng chống dịch Covid-19 (Hình 2).

Dịch bệnh hiện nay còn diễn biến phức tạp

Bố trí ngân sách cho y tế dự phòng

Về tài chính, hậu cần, bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị… theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng cho các kịch bản phòng, chống dịch.

Nhà nước bảo đảm nguồn tài chính chi cho công tác phòng, chống dịch trên cơ sở Covid-19 huy động tổng thể nguồn lực nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác).

Các địa phương phải bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội.

Rút gọn, đơn giản hoá hồ sơ chứng từ thanh toán; bãi bỏ các rào cản, chồng chéo, vướng mắc, bất cập hiện hành về chính sách thanh toán chi phí y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính bảo đảm an sinh xã hội theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách - Ban hành chương trình phòng chống dịch Covid-19 (Hình 3).

Cần đảm bảo mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế

Đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác của chương trình là bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân.

Cụ thể, các địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Bảo đảm thực hiện nhất quán theo quy định, hướng dẫn thống nhất của các bộ, ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.

Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả tại các cơ sở giáo dục đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp.

 Căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài.

 

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/ban-hanh-chuong-trinh-phong-chong-dich-covid-19-a2635.html