Hệ sinh thái này được xây dựng bằng 2 công nghệ, gồm bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking. Giải pháp bảo vệ và đánh dấu trên từng bản nhạc giúp tác giả có thể đo đếm chính xác số lượt sử dụng và theo dõi được việc phân phối sử dụng tác phẩm trên internet.
Theo đó, công nghệ Sigma DRM sẽ mã hóa tất cả các bản nhạc, cấp khóa giải mã mỗi khi sử dụng tác phẩm và mỗi lần cấp khóa, hệ thống sẽ đếm như một lần sử dụng tác phẩm. Việc cấp khóa cho mỗi lần sử dụng có thể ví như một lần xin phép sử dụng tác phẩm và đó là nền tảng để minh bạch số lần sử dụng khi tác phẩm được phân phối trên môi trường internet. Công nghệ DRM hiện nay đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu để bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực truyền hình hay xuất bản điện tử.
Công nghệ Sigma Watermarking được dùng để đánh dấu (ký số) khi muốn phân phối hay phái sinh một tác phẩm âm nhạc, từ đó giúp các tác giả có thể truy vết để dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, hoặc theo dõi việc phân phối, sử dụng tác phẩm.
Giá trị cốt lõi của hệ sinh thái này góp phần ngăn chặn việc vi phạm tác quyền trên môi trường internet, nhằm tôn trọng và tôn vinh công lao sáng tác của các tác giả.
Theo nhạc sĩ Lê Minh Sơn, việc quản lý tốt được bản quyền sẽ dần hình thành nền văn hoá sử dụng âm nhạc có bản quyền. Khi đó các tác giả sẽ nhận được sự tôn trọng, nâng niu, mang lại sự khích lệ tinh thần cho những người sáng tác âm nhạc. "Khát vọng của tôi là những người nhạc sĩ phải sống được bằng tác phẩm của mình, đơn vị sử dụng phải trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Cái điều tưởng như là hiển nhiên đó lại là mong ước từ rất lâu của nhiều nhạc sĩ", nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ.
Tại lễ ra mắt hệ sinh thái, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng đánh giá, đây là dấu mốc quan trọng trong hoạt động âm nhạc từ góc độ công nghệ bản quyền âm nhạc, vì bảo vệ bản quyền, cũng như sở hữu trí tuệ không chỉ là vấn đề trong nước, mà còn liên quan đến những cam kết quốc tế quan trọng.
Hiền Minh
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/he-sinh-thai-bao-ve-ban-quyen-am-nhac-tren-internet-dau-tien-o-viet-nam-a2468.html