Giá thép xây dựng đồng loạt tăng cao, nhà thầu đứng ngồi không yên

Giá thép xây dựng điều chỉnh tăng liên tục từ đầu năm 2022 và hiện đã vượt mức 17 triệu đồng/tấn đang khiến các doanh nghiệp xây dựng rơi vào thế khó.

Ngày 12/3, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng giá thép xây dựng thêm từ 250 - 810 đồng/kg so với đầu tháng 3/2022.

Trong đợt điều chỉnh này, thép Thái Nguyên tăng thêm 810 đồng/kg đối với cả hai dòng sản phẩm của công ty. Đây là doanh nghiệp có mức tăng giá thép mạnh nhất. Cụ thể, thép cuộn CB240 có giá mới là 18.930 đồng/kg, còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 19.080 đồng/kg.

Thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh tăng thêm 600 đồng/kg đối với cả hai dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Tại miền Trung, Việt Đức cũng tăng thêm 560 đồng/kg đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của hai sản phẩm này lần lượt là 18.370 đồng/kg và 18.680 đồng/kg.

Thương hiệu thép Kyoei cũng điều chỉnh tăng thêm 250 đồng/kg đối với thép cuộn CB24 và thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của hai sản phẩm này ở mức 18.270 đồng/kg và 18.470 đồng/kg.

Thép Việt Nhật có 2 sản phẩm đều tăng thêm 610 đồng/kg. Dòng thép cuộn CB240 đạt mức 18.320 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá bán 18.420 đồng/kg.

Thép miền Nam, giá thép cuộn CB240 tăng thêm 600 đồng/kg, lên mức 18.570 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 tăng thêm 610 đồng, hiện có giá 18.780 đồng/kg.

Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 tăng 600 đồng, lên mức 18.870 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 tăng 610 đồng, hiện có giá 19.080 đồng/kg.

Công ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang (TQIS) điều chỉnh tăng thêm 400 đồng/kg với cả hai sản phẩm. Như vậy, thép cuộn CB240 lên mức 18.280 đồng/kg, còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 18.430 đồng/kg.

Còn thép Tung Ho, với dòng thép cuộn CB240 tăng 610 đồng, có mức giá 18.370 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 610 đồng, hiện có giá 18.520 đồng/kg.

Thương hiệu thép Mỹ cùng điều chỉnh mức tăng 610 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, lên mức giá mới là 18.370 đồng/kg, còn đối với thép thanh vằn D10 CB 300, tăng 600 đồng/kg, lên mức 18.570 đồng/kg.

Thép Việt Sing, với dòng thép cuộn CB240 tăng 510 đồng/kg, lên mức 18.220 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 510 đồng/kg, hiện có giá 18.420 đồng/kg.

Thép Việt Mỹ tăng mạnh giá bán, thép cuộn CB240 tăng 610 đồng, đạt mức 18.180 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 600 đồng, có giá 18.280 đồng/kg.

Trong báo cập nhật ngành thép quý 1/2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, giá bán thép và giá thành sản xuất thép sẽ tăng do giá các mặt hàng năng lượng tăng cao khi Nga cũng là nước xuất khẩu các mặt hàng năng lượng quan trọng trên thế giới.

Hiện, giá của dầu, khí, than đang tăng rất nhanh và gần như quay lại mức đỉnh cũ lập ra trong năm 2021 khiến cho giá thành sản xuất thép tăng mạnh trở lại.

Như vậy, sau khoảng 6 tháng hạ nhiệt, giá thép bắt đầu tăng mạnh trở lại từ giữa tháng 2/2022 khi một loạt nhà sản xuất thép công bố giá bán mới.

Tính từ đầu năm 2022, đây là lần tăng thứ 3 của giá thép. Hai lần tăng trước, giá thép tăng từ 300.000-1.220.000 đồng/tấn. Cộng cả 3 lần tăng giá, giá thép đang dần tiệm cận mức đỉnh của năm 2008, theo ghi nhận của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa nhận định, giá nguyên liệu đầu vào từ quặng sắt, than cốc, đến thép phế liệu… cùng tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 (ở Trung Quốc và khu vực ASEAN) đã khiến giá phôi thép bật tăng.

Cụ thể, giá phôi thép giao dịch tại cảng Đông Nam Á tính đến ngày 10/2/2022 đạt mức 696 USD/tấn CFR Đông Á, tăng khoảng 70 USD/tấn so với đầu tháng 1/2022. Ở thị trường trong nước, giá phôi thép tăng khoảng 400-600 đồng/kg lên 14.800-15.800 đồng/kg tính tới cuối tháng 1/2022.

Cùng thời điểm, giá quặng sắt cũng giao dịch ở mức cao, đạt 149,7-150,2 USD/tấn CFR tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc), tăng khoảng 24 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 1/2022, còn giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 555 USD/tấn CFR Đông Á, tăng 40-45 USD/tấn.

Theo đánh giá của ông Lương Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nam tại Tp.HCM, nguồn cung thép khan hiếm hơn kể từ thời điểm căng thẳng Nga - Ukraine diễn ra. Cộng thêm một phần chi phí vận chuyển tăng cao vì cước tàu tăng, giá xăng dầu tăng… đã khiến giá thành sản xuất của tại các công ty tăng theo.

Hiện tại, nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp nên giá thép tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp thầu xây dựng đều bày tỏ lo lắng do hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết nên nhà thầu phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng.

Hiện tại, giá thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị dự án, nên việc giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí xây dựng đội lên cao. Đó là chưa nói đến nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi măng… cũng đồng loạt tăng giá theo, gây áp lực rất lớn cho nhà thầu.

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/gia-thep-xay-dung-dong-loat-tang-cao-nha-thau-dung-ngoi-khong-yen-a2439.html