Khánh Hòa: Phấn đấu đến năm 2030 có 60% trẻ biết bơi an toàn

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2030 có 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn

Mục tiêu chung của kế hoạch là huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi (học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở) trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị đuối nước, phấn đấu giảm tối đa tình trạng trẻ em bị đuối nước hàng năm.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Phấn đấu 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Dân sinh - Khánh Hòa: Phấn đấu đến năm 2030 có 60% trẻ biết bơi an toàn

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu có 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn  năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, đảm bảo 100% các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị chuyên môn, vệ sinh, an toàn theo quy định.

Tỉnh này cũng đặt mục tiêu 90% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.

Đồng thời, 100% trường học có hình thức triển khai kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh hàng năm. Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.

Các giải pháp thực hiện

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Cụ thể, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em.

Trong đó, tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi kết hợp tổ chức khai mạc các hoạt động hè, các giải thi bơi cho trẻ em vào dịp tháng 5 và ngày 1/6 hàng năm; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình… về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Bên cạnh đó, xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em.

Không chỉ giảng dạy, phổ biến kỹ thuật bơi và biện phòng, chống đuối nước cho trẻ em bằng hình thức trực tiếp mà có thể dạy gián tiếp thông qua truyền hình, mạng xã hội…

Ngoài ra, tỉnh này còn thực hiện triển khai hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em bằng các hoạt động cụ thể.

Bên cạnh đánh giá thực trạng trẻ em tử vong do đuối nước và công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ trong phạm vi toàn tỉnh thì hàng năm tổ chức dạy bơi, các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh; tổ chức từ 1-2 lớp hướng dẫn viên bơi và bơi cứu hộ trong toàn tỉnh.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp dạy bơi cho các em có độ tuổi từ 6-15 tuổi theo tiêu chí được phân bổ, mỗi lớp học ít nhất 25 -30 em. Tổ chức giải bơi các cấp, các ngành, các cuộc thi tìm hiểu về những kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh, nhằm khuyến khích, động viên phong trào tập luyện bơi trong nhà trường.

Dân sinh - Khánh Hòa: Phấn đấu đến năm 2030 có 60% trẻ biết bơi an toàn (Hình 2).

Hoạt động dạy bơi cho trẻ em tại một cơ sở ở Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Về cơ sở vật chất để thực hiện kế hoạch, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, kết hợp kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hồ bơi vừa làm dịch vụ và hỗ trợ mở lớp dạy bơi tại mỗi địa phương.

Rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất cho việc dạy bơi tại các địa phương để trang bị phù hợp. Tập trung khai thác hiệu quả các hồ bơi hiện có, nhất là các hồ bơi được trang bị tại các trường học theo Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong nhà trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.

Các địa phương bố trí quỹ đất và dành nguồn ngân sách đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hồ bơi, ưu tiên tại các khu vực gần trường học, khu vực đông dân cư.

Ngoài ra, tỉnh này cũng sẽ xã hội hóa phổ cập bơi bằng việc vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện môn bơi thường xuyên.

Huy động các cơ sở cung cấp dịch vụ bơi trên địa bàn có chính sách khuyến khích, giảm học phí cho trẻ em dưới 16 tuổi tham gia học bơi…

Châu Tường

Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/khanh-hoa-phan-dau-den-nam-2030-co-60-tre-biet-boi-an-toan-a2426.html